Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu bất ngờ tăng mạnh trở lại sau khi nguồn tin từ OPEC cho hay, Saudi Arabia, Kuwait và một số nước sẽ vẫn giảm sản lượng ngay cả khi Iran bác bỏ đề xuất này, theo tin từ Wall Street Journal.
Trong 3 ngày giao dịch trước đó, giá dầu đã hạ sâu bởi thông tin dự ầu của Mỹ tăng cao trong bối cảnh nhu cầu chưa thực sự cải thiện. Kịch bản nguồn cung được thu hẹp bớt đã “cứu” giá dầu trong phiên hôm qua. Hiện tại giá dầu đã tăng được 47% so với mức đáy thiết lập vào giữa tháng 2.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, chính phủ Saudi Arabia, Kuwait và nhóm nước đồng minh khẳng định họ sẽ vẫn tiếp tục thực thi kế hoạch giảm sản lượng dầu dù Iran không hợp tác. Như vậy có thể thấy quan điểm của nhóm nước xuất khẩu dầu lớn thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thay đổi khá nhiều so với khoảng thời gian trước đây.
Theo đại diện chính phủ Qatar, buổi họp bàn về giảm sản lượng dầu sẽ được tổ chức vào ngày 17/4 với sự tham dự của cả nhiều nước trong và ngoài OPEC.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 tăng 2,12 USD/thùng tương đương 5,8% lên 38,46 USD/thùng, đánh dấu ngày giá lớn nhất tính từ ngày 22/2.
Giá dầu bắt đầu tăng từ khoảng sau thời điểm giữa tháng 2 khi mà Saudi Arabia, một trong những nước có tiếng nói lớn nhất trong OPEC cho biết nước này đã sẵn sàng hợp tác giảm sản lượng. Trong những tuần sau đó, đến lượt Nga khẳng định nước này cũng chấp nhận thu hẹp bớt hoạt động sản xuất năng lượng vốn đã tăng trưởng nhanh chóng mặt trong suốt 2 năm qua.
Trên thực tế, theo phân tích của nhiều chuyên gia năng lượng, Nga và OPEC đã từng rất nhiều lần hợp tác với nhau để giảm sản lượng dầu chính vì thế có cơ sở để tin lần này họ sẽ cùng nhau đi đến được một thỏa thuận nhất định.
Trong năm 2016, giá dầu đã có nhiều tuần giảm sâu và lập đáy 26,21 USD/thùng. Việc giá dầu giảm xuống mức quá thấp đã gây rất nhiều áp lực tài chính lên ngân sách và kinh tế của Saudi Arabia.
Cuối ngày thứ Tư, thông tin từ phía Mỹ cũng cho thấy sản lượng dầu của Mỹ giảm xuống trung bình 9,07 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn một chút so với con số 9,08 triệu thùng dầu/ngày của tuần trước đó. Vào tháng 4 năm ngoái, sản lượng dầu của Mỹ đã có lúc lên mức cao kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ngày.
Dù vậy, không ít chuyên gia vẫn đang hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp hợp tác giảm sản lượng dầu chuẩn bị được đưa ra. Bởi theo họ phân tích, ngay khi OPEC và Nga hợp tác để đẩy tăng được giá dầu một chút thì phía Mỹ sẽ nhanh chóng tăng sản lượng.
Với công nghệ cao, các công ty năng lượng Mỹ có khả năng điều chỉnh sản xuất năng lượng theo biến động giá của thị trường cực nhanh.