GELEX: Chưa lộ diện cổ đông lớn

(BĐT) - Ngày 4/3/2016, tại trụ sở Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX, mã chứng khoán GEX) ở Bắc Ninh đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016.
Nội dung hấp dẫn nhất của Đại hội đồng cổ đông thường niên GELEX lần này là bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới. Ảnh: Hồng Lam
Nội dung hấp dẫn nhất của Đại hội đồng cổ đông thường niên GELEX lần này là bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới. Ảnh: Hồng Lam

GELEX chuyển đổi từ mô hình 100% vốn nhà nước sang Công ty CP từ tháng 12/2010. Tháng 8/2015, Công ty phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ cho Công ty CP Chứng khoán Bản Việt để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn nhà nước tại đây giảm từ 87,17% xuống 78,74%.

Cổ đông lớn - bí ẩn đến phút chót

ĐHCĐ thường niên của GELEX thu hút sự chú ý của giới đầu tư, đặc biệt là sau khi Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản, thoái toàn bộ 122 triệu cổ phần (tương đương 78,74%) vốn điều lệ của GELEX chỉ trong một phiên giao dịch ngày 26/12/2015. Đây cũng là phiên giao dịch có giá trị và số lượng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Với thương vụ này, Bộ Công Thương đã thu về gần 2.200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, những cổ đông lớn tiếp quản GELEX từ Bộ Công Thương vẫn chưa lộ diện. Vì vậy, nội dung hấp dẫn nhất của ĐHCĐ thường niên lần này chính là bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới (2016 - 2020). Tuy nhiên, đó lại là nội dung cuối cùng của cuộc họp ngày 4/3/2016, dự kiến kéo dài đến 3 giờ chiều. Danh sách ứng viên HĐQT cũng không được công bố trong tài liệu dành cho cổ đông được phát tại Đại hội.

Theo thông tin được đại diện GELEX công bố tại ĐHCĐ, sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, cổ đông lớn nhất của Công ty vẫn là Chứng khoán Bản Việt, sở hữu 15 triệu cổ phần, tương đương gần 10% vốn điều lệ sau đợt GELEX phát hành thêm. Cổ đông lớn thứ 2 theo đăng ký tại ĐHCĐ lần này là ông Võ Tấn Thịnh với số lượng cổ phần sở hữu và đại diện 7%. Ông Thịnh được nhóm cổ đông đại diện 11 triệu cổ phần đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, thông tin bất ngờ được đưa ra, nhóm cổ đông này không đáp ứng đủ yêu cầu về thời gian nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng. Vì vậy, ông Võ Tấn Thịnh không đủ điều kiện ứng cử HĐQT GELEX. Với Ban Kiểm soát (BKS), cũng không có ứng viên đáp ứng đủ điều kiện. Chính vì vậy, HĐQT và BKS của Công ty sẽ giới thiệu thành viên bổ sung vào HĐQT và BKS kỳ này.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, ông Võ Tấn  Thịnh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát, một công ty chuyên sản xuất vật liệu, phụ kiện ngành điện như dây cáp điện, dây cáp thông tin, bọc dây điện… Ông chủ Cáp Thịnh Phát đã hụt chân vào HĐQT của GELEX trong kỳ đại hội này.

Theo danh sách đề cử HĐQT được đưa ra, có duy nhất một gương mặt mới là ông Võ Anh Linh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng và Bưu điện. 5 ứng viên HĐQT và 3 ứng viên BKS đã đồng loạt trúng cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Bộ Công Thương vừa thoái vốn khỏi GELEX vào cuối năm 2015, đến nay vẫn chưa đủ 6 tháng cho cổ đông mới nhận cổ phần từ Bộ Công Thương. Chính vì vậy, ngoài đại diện Cáp Thịnh Phát, trong thời gian tới, vẫn còn cơ hội cho GELEX có những sự thay đổi đáng kể trong HĐQT và BKS của Công ty. 

Kết quả kinh doanh - “nóng” các dự án bất động sản

Theo thông tin từ Đại hội, năm 2015, Công ty mẹ đạt 1.350 tỷ đồng doanh thu thuần, cán đích kế hoạch và vượt gần 6% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 250 tỷ đồng, tăng 8,06% so với năm 2014 và vượt 6,23% kế hoạch. HĐQT trình Kế hoạch cổ tức 2015 là 10%. Kế hoạch 2016 được đặt ra với doanh thu 1.400 tỷ đồng và 235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Có 2 dự án của GELEX được các cổ đông quan tâm là Dự án Số 10 Trần Nguyên Hãn và Trụ sở chính số 52 Lê Đại Hành.

Tại ĐHCĐ, ban lãnh đạo GELEX cho biết Dự án Số 10 Trần Nguyên Hãn đã bắt đầu triển khai các thủ tục cần thiết từ cách đây 3 năm. Đến nay vẫn chưa có quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 10 Trần Nguyên Hãn. Hiện GELEX cùng 2 đối tác vẫn chưa thành lập tư cách pháp nhân mới để triển khai Dự án. Công ty cho biết Dự án sẽ được triển khai trong năm 2016.

Đối với Dự án Trụ sở chính số 52 Lê Đại Hành, trả lời câu hỏi của cổ đông, đại diện Công ty cho biết, GELEX đã xin phép điều chỉnh, khai thác thêm diện tích chưa sử dụng. Tỷ lệ lấp đầy của Dự án ở vào khoảng 60%. Tuy nhiên, hiện các đơn vị thành viên GELEX vẫn đang có nhu cầu sử dụng phần diện tích nói trên. Vì vậy việc cho thuê sẽ bị chậm lại.

Về phương hướng hoạt động của GELEX sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, đại diện Công ty cho biết không ngoại trừ việc Công ty sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ tại các công ty liên kết tiềm năng. Năm 2015, sau khi 2 công ty con tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của GELEX bị giảm xuống, các công ty con trở thành công ty liên kết. Với biến động này, Công ty đã phải ghi lỗ 66 tỷ đồng vào hoạt động tài chính.

Chuyên đề