GDP và GRDP tương thích cả về quy mô và tốc độ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) -  Đề án Đổi mới quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được Tổng cục Thống kê tổng kết với kết quả số liệu GDP và GRDP giữa trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ.

GDP và GRDP tương thích cả về quy mô và tốc độ

Ngày 11/12, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Đổi mới Quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục Thống kê cho biết, trước đây, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) do Cục Thống kê biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số. Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, trong một thời gian dài, hiện tượng chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố chênh lệch lớn so với chỉ tiêu GDP của cả nước, thậm chí có năm lên tới 2 con số.

Đơn cử, năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố chỉ tăng 6,24% so với năm 2010. Trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước với 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%. Kết quả tổng hợp GRDP do địa phương tính toán và công bố cho thấy tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới hơn 11%, gấp gần 1,8 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.

Tương tự, năm 2012, tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn. Mặc dù, năm 2012 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%...

Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 22/5/2015 (gọi tắt là Đề án 715) đã xóa bỏ khoảng cách chênh lệch và tiến tới thống nhất số liệu GDP của Trung ương và GRDP địa phương.

Theo đó, năm 2016, Tổng cục Thống kê tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu GRDP thời kỳ 2011 - 2015; tính thử nghiệm GRDP 6 tháng đầu năm và cả năm 2016. Năm 2017, Tổng cục Thống kê chính thức biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương. Kết quả biên soạn GRDP và đánh giá lại quy mô GDP đã mang đến bức tranh đầy đủ, rõ nét hơn về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

Kết quả của việc đổi mới, hoàn thiện và thống nhất thực hiện quy trình biên soạn GRDP theo Đề án 715, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ. Số liệu GRDP đã được hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất quán sử dụng trong quản lý, điều hành và hoạch định chính sách.

“Nếu giai đoạn 2011 - 2015, có 62/63 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), thì giai đoạn năm 2016 - 2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Theo đó, thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất, tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy trình và các quy định về biên soạn, công bố GRDP; hoàn thiện công cụ tính toán; nâng cao số lượng và chất lượng nguồn thông tin đầu vào; nghiên cứu điều chỉnh thời gian công bố số liệu GRDP…

Tại Hội nghị Tổng kết, Cục Thống kê TP. Cần Thơ đề xuất, Tổng cục Thống kê công bố công khai GRDP của 63 tỉnh, thành phố trên phần mềm để các Cục Thống kê địa phương có thêm thông tin và cung cấp cho lãnh đạo địa phương về vị trí, lợi thế so sánh để biết địa phương mình đang ở đâu so với vùng và địa phương có tính đồng nhất.

Ngoài ra, cung cấp một số thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị hạch toán toàn ngành, tập đoàn, tổng công ty đóng trên địa bàn để Cục có cơ sở giải trình với lãnh đạo địa phương đầy đủ và thuyết phục hơn.

Chuyên đề