Ảnh Internet |
Liên quan đến đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN), các thành viên Hội đồng cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Theo đó, đa số thành viên Hội đồng cho rằng, việc sửa đổi Điều 3 của Luật DN theo hướng quy định việc thành lập DN thực hiện thống nhất theo Luật DN là cần thiết vì bảo đảm sự phù hợp với nguyên tắc sửa đổi Luật DN là tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập DN và cấp giấy phép kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, đề xuất sửa đổi Luật DN như trên là không hợp lý, vì sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như cho các DN trong một số lĩnh vực đặc thù (kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm...).
Theo Bộ Tư pháp, đơn vị đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh, trong thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Đầu tư, Luật DN đã góp phần xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư, kinh doanh không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các DN và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ này, quá trình thi hành Luật Đầu tư, Luật DN và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Tại Phiên họp Chính phủ tháng 7 tổ chức ngày 1 và 2/8, khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung là phải kiên quyết xóa bỏ các rào cản, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.