Nhiệm vụ của tháng 12 hết sức nặng nề khi vẫn còn hơn 50% kế hoạch vốn vay nước ngoài đã điều chỉnh của năm 2020 cần phải giải ngân. Ảnh: Lê Tiên |
Thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài 11 tháng đạt 6.312 tỷ đồng, tương ứng 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh theo đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến ngày 24/11, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 4.648 tỷ đồng, đạt 75% số vốn được giao. Để đạt được kết quả này, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục và đặc biệt là nêu cao vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.
Còn theo ông Vũ Thanh Liêm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vốn vay nước ngoài mà bộ này cần giải ngân trong năm 2020 sau khi xin điều chỉnh là 1.830 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11, tất cả 18 dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài của Bộ giải ngân được 763 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,7% kế hoạch đã điều chỉnh. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đến hết năm 2020 cũng chỉ giải ngân được khoảng 90 - 94% kế hoạch đã điều chỉnh. Lý do của sự chậm trễ này, theo ông Liêm, là do thiếu vốn đối ứng, lũ lụt vào cuối tháng 10, tháng 11 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Về các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết, vấn đề lớn nhất làm tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán. Nguyên nhân của tình trạng này là do đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt.
Bên cạnh đó, các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (như gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục sử dụng vốn), điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác từ phía nhà tài trợ. Chẳng hạn, thời gian gửi ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài; một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không bảo đảm tiến độ dự án, trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là không rõ ràng. Việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa kỹ như hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, nhiệm vụ của tháng 12 hết sức nặng nề khi vẫn còn hơn 50% kế hoạch vốn vay nước ngoài đã điều chỉnh của năm nay cần phải giải ngân. Để đạt mục tiêu cao nhất về giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành nếu phải điều chỉnh kế hoạch vốn trong phạm vi của bộ có thể báo cáo bộ trưởng điều chỉnh ngay; trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Những chương trình, dự án kết thúc thời gian thực hiện giải ngân năm 2020, cần làm thủ tục điều chỉnh dự án và thời gian rút vốn phải khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền sớm để có cơ sở trao đổi với nhà tài trợ. Đồng thời, tập trung xử lý vấn đề thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo chặt chẽ, nhất là liên quan đến khiếu kiện về tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án...
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các ban quản lý dự án có khối lượng và hồ sơ thanh toán gửi kho bạc thực hiện kiểm soát chi, gửi Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và nhà tài trợ để tiến hành giải ngân.
Về phía các nhà tài trợ, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành của Việt Nam trong cả vấn đề chung, cơ chế chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trong đó, ông Hà mong muốn nhà tài trợ kết hợp với ban quản lý dự án và cơ quan chủ quản giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trong khâu phân chia gói thầu, tổ chức đầu thầu, xác nhận khối lượng thực hiện, quyết toán…