Ngày 10/7 Sở y tế TPHCM thiết lập Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) với quy mô 6.000 giường bệnh. Nhân viên y tế thuộc Bệnh viện phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược trực tiếp vận hành bệnh viện. |
Cơ cấu thành lập ban đầu gồm: một Ban Giám đốc, trong đó có một Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn; một Ban Chỉ huy quân sự hỗ trợ điều phối và giữ an ninh trật tự, vận chuyển cơm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho các bệnh nhân và các phòng chức năng. |
Các phòng chức năng được thiết lập gồm có: Phòng kế hoạch tổng hợp, phòng Điều dưỡng, phòng Hành chính quản trị, phòng Công tác xã hội chuyên chăm lo sức khỏe của người dân, phụ trách ghi nhận, phản ánh những điều người bệnh cần. |
Trong 5 ngày đầu hoạt động có nhiều khó khăn như: Vận chuyển phân bổ cơm hộp, điện nước chưa ổn định, nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc… nhưng đã được bệnh viện nhanh chóng khắc phục. Hiện tại, bệnh viện đã đón nhận và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho hơn 3.000 F0. |
Để giải tỏa những vướng mắc của các bệnh nhân, chiều 15/7, Giám đốc bệnh viện trực tiếp xuống thăm hỏi từng người, từng phòng điều trị tại bệnh viện dã chiến để động viên bệnh nhân yên tâm, tập trung điều trị. |
Lãnh đạo bệnh viện đã gõ cửa từng phòng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng bệnh nhân, gửi tới họ bức tâm thư chứa đựng chia sẻ, tâm huyết chung của toàn bộ cán bộ, y bác sĩ và đội ngũ hỗ trợ đang làm việc tại bệnh viện. |
"Gia đình tôi có 5 người đang điều trị tại đây. Ngày đầu vào bệnh viện điều trị phải chờ đợi, thiếu thốn đủ thứ… nên tôi cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo ở lại bệnh viện tôi thường đứng từ trên lầu cao nhìn xuống, chứng kiến cảnh y bác sĩ, lực lượng dân quân tất bật, làm việc không ngừng nghỉ ngày đêm. Đặc biệt đội nắng, đội mưa, lo cho sức khỏe, lo từng bữa cơm, ngụm nước, lấy từng cái mền cái gối cho bệnh nhân tôi cảm thấy rất biết ơn", ông Nguyễn Văn Dũng (bệnh nhân sống tại quận 3) chia sẻ khi có mặt tại buổi gặp gỡ lắng nghe ý kiến F0 của lãnh đạo bệnh viện dã chiến số 6. |
"Giờ đây, khi đến bữa cơm có muộn một chút, điều kiện vật chất có thiếu thốn tôi cảm thông và kiên nhẫn chờ đợi. Tôi biết hiện tại bệnh nhân quá đông, trong khi lực lượng y tế có hạn, hơn nữa họ cũng đã kiệt sức sau thời gian dài phục vụ bệnh nhân nên rất biết ơn. Nhờ bàn tay chăm sóc ân cần của các y bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 6 mà hiện tại sức khỏe 5 người trong gia đình tôi đều ổn định, chưa phát hiện triệu chứng nặng", ông Dũng chia sẻ thêm. |
Hơn 2h chiều, bạn Võ Huynh (21 tuổi, sinh viên Đại học, ở trọ tại TP Thủ Đức) mới nhận được hai phần cơm trưa từ giám đốc bệnh viện dã chiến số 6 nhưng vẫn không giấu được xúc động: "Trong lúc chờ cơm em đã ăn tạm mì gói nên cũng không đói lắm. Em vào bệnh viện điều trị được 2 ngày, gần 2 tháng nay em ở phòng học online, không ra ngoài tiếp xúc với ai nhưng khi xét nghiệm lại dương tính, em bất ngờ lắm không tin mình bị nhiễm Covid vì không thấy triệu chứng, không biết nguồn lây từ đâu. Em biết bệnh nhân đông quá nên dù có thiếu thốn em cũng rất thông cảm". |
"Chồng tôi đưa đi khám thai định kỳ, bệnh viện cho test nhanh Covid-19, sau đó tôi có kết quả dương tính nhưng chồng lại có kết quả âm tính. Mắc bệnh khi bụng mang dạ chửa lại chỉ có một mình, ban đầu tôi lo lắm nhưng khi được các y bác sĩ động viên tôi thấy an tâm hơn. Tôi cầu mong nhanh khỏi bệnh để sinh nở được an toàn, hai mẹ con tôi được về với gia đình", chị Lê Thị Thu (38 tuổi, quê ở Bình Dương) đang mang thai 32 tuần chia sẻ. |
Lãnh đạo bệnh viện cũng đã đi tới từng phòng có bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe hoặc có chuyển biến triệu chứng nặng dần cần điều trị riêng. Ban Giám đốc gửi lời động viên, mong các bệnh nhân tiếp tục vững tin vào đội ngũ y bác sĩ để vượt qua giai đoạn khó khăn. |
"F0 vào bệnh viện dã chiến thường bị ảnh hưởng tâm lý và stress nên đội ngũ y bác sĩ trước khi chữa bệnh phải ổn định tâm lý và là chỗ dựa về tinh thần để các F0 vượt qua bệnh tật", ông Hoàng chia sẻ. |
Ông Phan Minh Hoàng cho biết chủ trương của bệnh viện là sẽ không tiếp nhận ồ ạt bệnh nhân khi chưa chuẩn bị các điều kiện tối thiểu. "Chúng tôi hứa sẽ tập trung hết sức lực của anh em cùng với sự hỗ trợ của Y tế thành phố để chăm sóc sức khỏe và đời sống sinh hoạt cho toàn bộ các bạn". |
Hơn một giờ lắng nghe chia sẻ, ghi nhận những thiếu sót, những vấn đề chưa kịp đáp ứng tới bệnh nhân… Nhiều F0 đã mở lòng nở nụ cười, an tâm chữa bệnh. "Đó là những điều mà chúng tôi những người thầy thuốc mong chờ nhất", anh Hoàng chia sẻ. |
Chúng tôi không dừng lại ở đây mà cố gắng từng ngày, bước từng bước để hoàn thiện hơn trong công tác khám, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân để người bệnh coi đây là ngôi nhà thứ hai, là điểm tựa để người dân tin tưởng, vượt qua khó khăn. |
Từ đầu mùa dịch từng ca, kíp nhân viên bệnh viện chia nhau làm việc ngày đêm: Trong đó có nhóm khám sàng lọc các F từ các đơn vị khác chuyển về. Nhóm khác vận chuyển cơm, nước uống và nhu yếu phẩm mà người nhà gửi đến. Có nhóm ghi nhận số liệu, cung cấp các thông tin phản hồi của bệnh nhân gửi về qua Zalo chung. "Chúng tôi chưa giây phút nào ngưng nghỉ", ông Hoàng nhấn mạnh. |
Một thông điệp mà tập thể nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 6 muốn gửi đến các F0 là: "chúng tôi sẽ luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho người dân, sẵn sàng hỗ trợ và đứng sau, đồng hành cùng bệnh nhân để vượt qua mọi khó khăn, đẩy lùi bệnh tật" ông Hoàng kết luận. |