Gang thép Thái Nguyên: Chồng chất khó khăn

(BĐT) - Trong khi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang gặp nhiều khó khăn với các khoản nợ lớn từ Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thép này trong 9 tháng đầu năm nay cũng đang gặp nhiều thách thức.
Tổng vay nợ tại thời điểm cuối quý III/2018 của Công ty Gang thép Thái Nguyên là 5.696 tỷ đồng
Tổng vay nợ tại thời điểm cuối quý III/2018 của Công ty Gang thép Thái Nguyên là 5.696 tỷ đồng

Nợ chồng nợ

9 tháng đầu năm 2018, tình hình tài chính của TISCO vẫn cho thấy sự khó khăn do mất cân đối tài chính. Cụ thể, tổng nợ phải trả ngắn hạn vẫn lớn hơn tổng tài sản ngắn hạn tới 882 tỷ đồng.

Trong khi đó, mặc dù có tổng doanh thu thuần lên tới 8.231 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, nhưng khối nợ khủng của doanh nghiệp thép này vẫn tiếp tục tăng. Tổng vay nợ tại thời điểm cuối quý III/2018 là 5.696 tỷ đồng, tăng thêm 131 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Đi sâu vào phân tích các khoản nợ ngắn hạn cho thấy, các khoản vay mới tăng thêm 218 tỷ đồng và được dùng để trả một phần các khoản nợ dài hạn đến hạn trả. Cùng với đó, nợ phải trả ngắn hạn khách hàng cũng tăng thêm 96 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nguồn vốn lưu động của TISCO hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp.

Nguyên nhân là do Công ty vẫn phải chi trả gốc và lãi của các khoản vay cho Dự án Gang thép Thái Nguyên 2 trong khi dự án này vẫn đang “đắp chiếu” và không mang lại doanh thu.

Tính tới 30/6/2018, TISCO đang ghi nhận 2 khoản nợ lớn liên quan đến việc triển khai Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Đó là khoản nợ 1.144 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Khu vực Bắc Kạn (VDB) và 1.878 tỷ đồng với VietinBank. Được biết, khoản nợ vay tại VietinBank đã được ngân hàng này cơ cấu thời gian trả nợ cho TISCO đến tháng 6/2019. Theo đó, doanh nghiệp cân đối nguồn thu từ khu vực mỏ Tiến Bộ (đã đi vào sản xuất) để trả cho VietinBank (theo tỷ lệ giải ngân).

Trong khi đó, số dư tiền của Công ty tại thời điểm 31/9/2018 chỉ còn khoảng 34,4 tỷ đồng. Còn tài sản có thanh khoản cao thứ hai là các khoản phải thu lại đang gặp khó trong quá trình thu hồi. Cụ thể, tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi tại thời điểm cuối quý III/2018 lên đến 652 tỷ đồng. Con số này gần như không đổi so với thời điểm đầu năm và chiếm đến 76% tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty (không tính phần trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi).

Với tình hình tài chính hiện tại, Gang thép Thái Nguyên sẽ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các khoản tín dụng và chiếm dụng vốn của nhà cung cấp để có vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Điều này có thể làm gia tăng sự mất cân đối tài chính của Công ty trong thời gian tới. 

Lợi nhuận ròng giảm 40%

Nguồn vốn lưu động của TISCO đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp
Từ khó khăn tài chính và chịu tác động của thị trường chung, tình hình hoạt động kinh doanh của TISCO trong 9 tháng đầu năm đang gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu thuần 9 tháng 2018 của TISCO đạt 8.231 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra tăng 15% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 430,7 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ 2017. Trừ các loại phí, thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 46,8 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017. So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 (144 tỷ đồng), sau 9 tháng doanh nghiệp này mới đạt 32% kế hoạch.

Tính đến hết quý III/2018, lượng hàng tồn kho của TISCO tăng đột biến hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 2.452 tỷ đồng, trong đó riêng tồn kho nguyên vật liệu tăng hơn 300 tỷ đồng, lên 1.487 tỷ đồng và tồn kho thành phẩm tăng 90 tỷ đồng, lên trên 940,8 tỷ đồng.

Chuyên đề