Gần 500 kiến nghị đang chờ Thủ tướng tháo gỡ

(BĐT) - Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/5 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị năm nay sẽ có nhiều đổi mới để lắng nghe và giải tỏa khoảng 500 kiến nghị từ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kỳ vọng Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ giải quyết dứt điểm những rào cản, tạo dựng một sân chơi bình đẳng. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp kỳ vọng Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ giải quyết dứt điểm những rào cản, tạo dựng một sân chơi bình đẳng. Ảnh: Hoài Nam

Hàng loạt kiến nghị gửi tới hội nghị

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 là cuộc gặp được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân được trình bày các khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Phạm Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có 2 kênh tiếp nhận kiến nghị từ doanh nghiệp. Cụ thể, VCCI đã tiếp nhận khoảng 200 kiến nghị từ đầu năm tới nay. Văn phòng Chính phủ cũng đã tiếp nhận khoảng hơn 270 kiến nghị.

Bà Hằng cho biết, có hai nhóm kiến nghị chính trong tổng số các kiến nghị được gửi tới, đó là các kiến nghị nhằm gỡ bỏ khó khăn từ các quy định có tính chất chồng chéo, bất hợp lý. Nhóm kiến nghị thứ hai là các vấn đề liên quan đến thủ tục phát sinh trong từng trường hợp. Doanh nghiệp rất kỳ vọng hội nghị này sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc, cản trở trong sản xuất kinh doanh của họ.

“Cách làm năm nay sẽ khác so với cuộc gặp trước. Có thể hình thức lần lượt lên nói sẽ không có. Về định hướng chung vẫn là bám theo 5 nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 35 để rà soát lại xem Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương, những người được giao nhiệm vụ trong nghị quyết đã làm được cái gì”, bà Hằng nói và cho biết trên cơ sở đó sẽ xem nhóm vấn đề nào cần được tập trung giải quyết.

Bình luận về cuộc gặp này, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng, không chỉ lắng nghe “phàn nàn” của doanh nghiệp, Chính phủ hành động là phải nhìn thấy vấn đề lớn của doanh nghiệp là gì để giải quyết. “Nếu chỉ nghe doanh nghiệp “kể khổ” thôi sẽ rất khó, quan trọng là phải có được những giải pháp tốt và quan trọng hơn nữa đó là vấn đề cần được giải quyết từ gốc”, ông Minh nói.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, những nỗ lực của Thủ tướng thông qua hàng loạt những động thái trong đó có việc trực tiếp gặp gỡ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp là rất tích cực trong bối cảnh hiện nay. “Tôi hy vọng sau cuộc gặp này sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các bộ, ngành, qua đó đi vào cốt lõi của vấn đề đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Qua cuộc gặp, Thủ tướng sẽ có dịp nhìn từ những sự vụ nhỏ để thấy được và xử lý các vấn đề lớn”, ông Trương Thanh Đức chia sẻ.

Cũng theo ông Đức, điều ông kỳ vọng nhất đó là sự nỗ lực không chỉ đến từ Thủ tướng, Chính phủ, mà còn phải truyền được xuống đội ngũ cán bộ công chức. Họ phải nhìn ra đối tượng họ phục vụ chính là những ai đang tạo ra của cải cho xã hội. 

Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước cũng đồng tình cho rằng cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy nỗ lực rất lớn để thực hiện lời hứa xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nỗ lực, song điều mong muốn nhất của doanh nghiệp là giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh thì vẫn chưa thực hiện được.

“Nghị quyết 35 đã đề ra nhiệm vụ làm sao tạo ra cho doanh nghiệp sân chơi bình đẳng, giảm chi phí sản xuất xuống thấp nhất có thể. Nhưng trên thực tế, lãi vay ngân hàng vẫn còn cao, chi phí vận chuyển vận tải cũng vậy… Do vậy tôi mong rằng cuộc gặp lần này cần có đối thoại tốt hơn, tháo gỡ tốt hơn”, ông Lĩnh nhấn mạnh và hy vọng cuộc gặp này sẽ là dịp để Thủ tướng cùng doanh nghiệp cùng bàn cách tháo gỡ, để có kết quả cuối cùng tốt hơn. “Tôi cũng mong đây sẽ là dịp để doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiếng nói hơn trong việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng”, ông Lĩnh nói.

Trong khi đó, gửi kiến nghị tới cuộc gặp Thủ tướng, đại diện Nhóm công tác Thuế (VBF) mong muốn đẩy mạnh cải cách hơn nữa trong vấn đề thủ tục hành chính và yếu kém trong quản lý. Cụ thể, theo tổ chức này, áp đặt và thực thi là cảm giác của doanh nghiệp khi làm việc với cơ quan hải quan. Ngoài ra, vẫn còn nhiều quy định về thủ tục thuế không rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế.

Chuyên đề