G7 ủng hộ sáng kiến giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Nhóm G7 đã nhất trí ủng hộ sáng kiến của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới.
Các Bộ trưởng G7. Ảnh: TTXVN
Các Bộ trưởng G7. Ảnh: TTXVN

Các Bộ trưởng tài chính Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí ủng hộ sáng kiến của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới, song cho rằng biện pháp này cần phải được điều chỉnh để thực thi tốt hơn.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các Bộ trưởng tài chính G7 đã "thực sự lấy làm tiếc" khi một số quốc gia đã không xếp các thể của nhà nước như là các nhà cho vay thương mại. Tuyên bố nhắc lại lời kêu gọi các chủ nợ tư nhân tham gia việc giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới.

Các Bộ trưởng tài chính G7 nhấn mạnh một số nước cần được tiếp tục được giãn nợ, đồng thời kêu gọi G20 và các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris nhất trí các điều khoản về việc này trước khi Hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra vào tháng tới.

Cũng trong hội nghị trực tuyến do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chủ trì, các Bộ trưởng tài chính G7 đã nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, vốn bị tác động nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thường xuyên cập nhật nhu cầu tài chính của các nước có thu nhập thấp.

Theo các Bộ trưởng tài chính G7, Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI), do G20 khởi xướng và được thông qua vào tháng 4 vừa qua, đã giúp 45 nước được chậm thanh toán các khoản nợ chính thức, trị giá 5 tỷ USD, để có tiền đối phó với đại dịch.

Tuy nhiên, dự tính ban đầu DSSI có thể giúp hơn 70 nước được giãn các khoản nợ, với tổng trị giá 12 tỷ USD. Do đó, các bộ trưởng tài chính G7 cho rằng cần gia hạn DSSI, cũng như đưa ra điều khoản và bản ghi nhớ mới để thực thi sáng kiến này tốt hơn./.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư