FPT Retail trước áp lực doanh số và nợ vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ cuối tháng 6 đến nay, giá cổ phiếu của Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) đã tăng hơn 40%. Sự bứt phá của cổ phiếu FRT đi liền với doanh thu bán hàng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2020 và kỳ vọng về sự tăng trưởng của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể là thách thức cho doanh số và tình hình tài chính của FPT Retail trong thời gian tới.
Giãn cách xã hội kéo dài là thách thức đối với doanh số của FPT Retail. Ảnh: Thành Luân
Giãn cách xã hội kéo dài là thách thức đối với doanh số của FPT Retail. Ảnh: Thành Luân

Rủi ro doanh số đến từ Covid-19

Theo báo cáo tài chính quý II/2021 của FPT Retail, doanh thu thuần bán hàng đạt 4.359 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 37,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái Công ty lỗ trước thuế 21 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và lợi nhuận trước thuế của FPT Retail lần lượt đạt 9.024 tỷ đồng và 76,1 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 23,6% và 190%.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ quý II/2020 của FPT Retail đến từ việc đóng cửa các điểm bán máy tính, điện thoại di động (ĐTDĐ) theo quy định giãn cách xã hội của Chính phủ để đối phó dịch Covid-19. Theo Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tại thời kỳ đỉnh điểm, FPT Retail đã phải đóng cửa khoảng 30% tổng số cửa hàng ĐTDĐ.

Dịch Covid-19 quay trở lại từ cuối tháng 4/2021 với mức độ ảnh hưởng tiêu cực nhất từ trước đến nay dẫn đến giãn cách xã hội kéo dài sẽ là thách thức đối với doanh số của FPT Retail. Báo cáo của VCSC cho biết, tính đến gần cuối tháng 7/2021, tất cả các cửa hàng ĐTDĐ của FPT Retail tại TP.HCM (chiếm khoảng 15% tổng số cửa hàng ĐTDĐ của FPT Retail) tạm thời đóng cửa khi Thành phố tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.

Ngoài việc đóng cửa các điểm bán thì sức mua của người tiêu dùng cũng là rủi ro mà FPT Retail nói riêng và các doanh nghiệp bán lẻ nói chung phải đối mặt. Trong buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chia sẻ, không nên chờ đợi sự bùng nổ của sức mua được ví von như lò xo ép lại khi dịch bệnh được kiểm soát do thu nhập sụt giảm dẫn tới sức mua giảm theo. Sự sụt giảm về khả năng chi trả cho mua sắm của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trong năm tới, thậm chí có thể kéo dài tới năm 2023 - 2024, tuỳ thuộc vào sự phục hồi của sản xuất.

Nợ vay tăng nhanh, dòng tiền kinh doanh âm

Ngay khi bước vào đợt giãn cách xã hội trong tháng 7/2021, tình hình tài chính của FPT Retail đã phát sinh một số rủi ro về thanh khoản trong ngắn hạn.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của FPT Retail ở mức 7.714 tỷ đồng, tăng thêm 2.372 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tương đương 43%). Trong đó, nợ phải trả tăng nhanh lên mức 6.428 tỷ đồng (tương đương 54%). Nợ phải trả tăng mạnh do trong nửa đầu năm, FPT Retail tăng vay nợ tín dụng, chạm mức 5.044 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Đây chủ yếu là các khoản vay ngân hàng không có tài sản đảm bảo với thời gian đáo hạn dưới 1 năm nhằm mục đích bổ sung vốn kinh doanh.

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm cuối quý II/2021 lên tới 3,92 lần, mức cao nhất kể từ năm 2017. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT Retail trong 2 quý đầu năm liên tục âm 501,7 tỷ đồng và âm 305,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty CP FiinGroup - đơn vị cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước, tình hình trên của FPT Retail cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao.

Chuyên đề