Hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Đồng thời, FE Credit sẽ bị NHNN thanh tra trong năm nay. Hoạt động tín dụng tiêu dùng của đơn vị này cũng cho thấy những rủi ro về nợ xấu.
Tiềm ẩn nợ xấu
Năm 2010, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thành lập Khối Tín dụng Tiêu dùng với định hướng tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit.
Tháng 7/2014, VPBank thực hiện mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (VPBFC hay FE), và chuyển dần hoạt động của Khối Tín dụng Tiêu dùng sang công ty này.
Năm 2015 là năm đầu tiên hoạt động tài chính tiêu dùng của VPBank vận hành hoàn toàn theo mô hình công ty con của VPBank và vẫn giữ thương hiệu FE Credit. Chỉ sau 3 năm hoạt động, tổng tài sản, dư nợ tín dụng và thu nhập từ lãi của FE Credit liên tục tăng cao qua các năm.
Cụ thể, tính đến hết năm 2017, tổng dư nợ cho vay của khách hàng đạt 44.797 tỷ đồng, tăng trưởng 39,5% so với năm 2016. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của FE Credit còn lên đến 59%; năm 2015 là 456%
Đây cũng là đơn vị chủ lực của VPBank. Trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.130 tỷ đồng năm 2017 của VPBank, FE Credit đóng góp khoảng 4.189 tỷ đồng, chiếm 51%. Còn năm 2016, FE Credit đóng góp tới 64,8% lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho VPBank.
Sự gia tăng của những khoản vay tiêu dùng trong tổng tài sản của FE Credit cũng đi kèm với sự gia tăng của các khoản nợ xấu. Nếu như tỷ lệ nợ xấu của FE Credit trong năm 2015 là 4% thì con số này đã tăng cao một cách nhanh chóng lên mức 6,3% trong năm 2016 và giảm nhẹ về 5% trong năm 2017. Trong khi ngưỡng tỷ lệ nợ xấu bảo đảm an toàn do NHNN quy định là 3%.
Trong một báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MBS, tín dụng tiêu dùng có thể gây ra khả năng mất kiểm soát nợ xấu. Cụ thể, lợi thế cạnh tranh của FE Credit đến từ cho vay tiền mặt không có mục đích rõ ràng, là khoản vay rủi ro hơn so với những khoản cho vay mua xe hay những khoản vay có tài sản bảo đảm. Vì vậy, MBS cho rằng, tỷ lệ trích lập dự phòng của các khoản tài chính tiêu dùng cần cao hơn những khoản trích lập dự phòng thông thường. Hiện tại, hệ thống pháp lý vẫn chưa có những thông tư hay hướng dẫn cụ thể nào về cách xử lý đặc biệt đối với cho vay tiêu dùng và tỷ lệ trích lập dự phòng của những khoản vay này so với những khoản vay khác.
Chấn chỉnh cho vay tiêu dùng
Ngày 15/5/2018, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay và quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay của NHNN. Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.
Trước đó, có nhiều ý kiến phản ánh của người dân về giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura, cùng với đó là hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit khi cho vay mua gói mỹ phẩm trên có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN về những ý kiến phản ánh của người tiêu dùng liên quan tới FE Credit. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, việc thanh tra đối với đơn vị này đã được đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2018.