FDI - Cú hích tạo việc làm, cải thiện nguồn nhân lực

(BĐT) - Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, nhiều cơ sở sản xuất đình trệ, hàng chục vạn lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm... 
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp FDI trong ngành chế biến, chế tạo đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu lao động của Việt Nam. Ảnh: Đăng Khoa
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp FDI trong ngành chế biến, chế tạo đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu lao động của Việt Nam. Ảnh: Đăng Khoa

Nhìn lại những khó khăn của thời kỳ đó để thấy những đóng góp rất lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc đưa ra lời giải cho bài toán việc làm, thay đổi mạnh mẽ cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực và nâng dần vị thế của lao động Việt Nam.

Giải quyết khủng hoảng việc làm

Đánh giá về 30 năm thu hút FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho rằng, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động.

Theo kết quả Tổng điều tra lao động việc làm năm 2017 của Tổng cục Thống kê (TCTK) thuộc Bộ KH&ĐT, nếu năm 1995 cả nước mới có khoảng 330 nghìn lao động làm việc trong doanh nghiệp (DN) FDI, thì năm 2007 đã tăng lên khoảng 1,5 triệu người và đến cuối năm 2017 tăng lên gần 4 triệu lao động (chiếm 26% tổng số lao động khu vực DN). Mặc dù không tạo ra nhiều việc làm so với khu vực trong nước (chỉ chiếm khoảng 5% tổng lao động đang làm việc), nhưng tốc độ tăng của lao động khu vực FDI khá cao, đạt bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2005 - 2017, cao gấp gần 4 lần tăng trưởng lao động của nền kinh tế.  Ngoài lao động trực tiếp, DN FDI còn gián tiếp tạo ra rất nhiều việc làm, đạt khoảng 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.

Cũng theo TCTK, tỷ lệ lao động trong khu vực FDI có độ tuổi dưới 35 chiếm đến 72% (năm 2017). Các khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ, thậm chí dưới 25 tuổi, của khu vực FDI rất cao, chiếm đến trên ¼ số lao động đang làm việc. Xu hướng này, theo nhiều chuyên gia, là rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng năng suất lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực

Cùng với sự gia tăng tỷ trọng của khu vực FDI trong ngành chế biến, chế tạo là xu hướng tăng lên của lao động làm việc trong ngành này. Niên giám thống kê 2017 cho thấy, tính đến hết năm 2017, trong tổng số vốn FDI được cấp giấy phép thì có tới 58,4% thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự dịch chuyển này đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu lao động. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động khu vực FDI đã đóng góp khoảng 29,3% cho tăng trưởng năng suất lao động chung của nền kinh tế giai đoạn 2006 - 2016.

Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với cơ sở bên ngoài, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Số liệu điều tra của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tỷ lệ DN FDI tham gia đào tạo cho người lao động tương đối cao, đạt 57% năm 2017, trong đó tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Qua đó, DN FDI đã góp phần hình thành và phát triển một lực lượng lao động có kỹ năng nghề và du nhập nhiều kinh nghiệm quản trị DN tiên tiến.

Trên thực tế, nhiều DN FDI đã từng bước chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cho cán bộ Việt Nam. Nhiều vị trí trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, thì nay lao động Việt Nam đã đủ khả năng làm chủ, góp phần tạo dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam trưởng thành. Theo đánh giá của ông Collin Blackwell - Tiểu nhóm Nhân sự của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), “nguồn nhân lực đang là một thế mạnh quan trọng giúp Việt Nam chuyển sang nền kinh tế tiên tiến phức tạp hơn”.

Về cơ bản, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, các DN FDI đã thực hiện khá tốt các quy định về tiền lương và phúc lợi cho người lao động. Nhiều DN đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, đóng góp cho cộng đồng và toàn xã hội. Tính đến cuối năm 2017, tiền lương bình quân hàng tháng tại các DN FDI đạt 6,204 triệu đồng/người, cao hơn khu vực ngoài nhà nước. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động của DN FDI thường cao hơn DN ngoài nhà nước, năm 2017 đạt khoảng 88%.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH, năm 2017, năng suất lao động của khu vực FDI cao gấp 3,7 lần năng suất chung của nền kinh tế, gấp 1,3 lần khu vực nhà nước, gấp 7,4 lần khu vực ngoài nhà nước. Điều này cũng phản ánh nhu cầu ngày càng cao về lao động có chuyên môn kỹ thuật của DN FDI.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư