Ảnh minh họa: Internet |
Giá cổ phiếu lao dốc bất chấp thông tin tốt
Ngày 1/10, tại TP. Hồ Chí Minh, EVN Finance ra mắt thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit và công bố chính thức bước vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố siết chặt việc cấp phép công ty tài chính tiêu dùng, sở hữu công ty tài chính trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với các đại gia. Còn nhớ cách đây không lâu, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã phải bỏ ra 710 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Mức giá này cao hơn 210 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm là 500 tỷ đồng và cao hơn rất nhiều so với tổng tài sản của PTFinance (do làm ăn thua lỗ).
Một thông tin rất đáng chú ý được công bố trung tuần tháng 10/2018: Đến cuối năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cổ đông sáng lập của EVNFinance - sẽ thoái hết 18,7 triệu cổ phần đang nắm giữ tại EVNFinance với mức giá đề xuất của phía tư vấn là 12.200 đồng/CP, cao hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu EVF tại thời điểm 31/12/2017 (12.149 đồng/CP). Việc EVN thoái lui sẽ đánh dấu sự tư nhân hóa toàn bộ công ty tài chính này và hứa hẹn bứt phá trong hoạt động kinh doanh.
Chưa hết, mới đây, EVN Finance đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất với kết quả lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2018 rất ấn tượng, đạt gần 154 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động tín dụng là động lực chính cho sự tăng trưởng của Công ty.
Nhưng nghịch lý là, khi các thông tin tốt liên quan đến hoạt động của DN liên tục được công bố thì cũng là lúc cổ phiếu EVF lao dốc.
Mặc dù chào sàn với giá 12.200 đồng/CP vào ngày 7/8/2018, nhưng đến nay chưa một lần EVF chạm tới giá này. Tính đến phiên đóng cửa ngày 2/11/2018, EVF đã giảm hơn 40% so với giá chào sàn và giá trị sổ sách. Đã có phiên giao dịch giá cổ phiếu này rơi về 6.200 đồng/CP.
Có ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu EVF giảm do chịu tác động chung của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước.
Liệu còn lý do nào khác?
Khoảng trống công khai, minh bạch
Trao đổi với Báo Đấu thầu, không ít cổ đông tỏ ra thất vọng về tình trạng minh bạch thông tin của EVNFinance. Mặc dù đã giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung nhưng DN không công bố báo cáo thuyết minh trong các báo cáo tài chính. Do đó, cổ đông khó lòng nắm bắt được tường minh hoạt động của Công ty.
Phóng viên Báo Đấu thầu đã gửi email tới EVNFinance đề nghị giải thích việc không công bố báo cáo thuyết minh, chậm trả cổ tức năm 2017 (tỷ lệ 6%) và những bước chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh sau khi EVN thoái lui. Tuy nhiên, câu trả lời của EVNFinance là sự im lặng.
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (tháng 4), không ít cổ đông đã lên tiếng về sự thiếu minh bạch thông tin, các vấn đề liên quan đến quản trị của ban lãnh đạo và HĐQT EVNFinance.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết, với quy mô vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, chưa năm nào bị lỗ kể từ khi đi vào hoạt động, EVNFinance vẫn là DN nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để khởi sắc hơn nữa hoạt động kinh doanh và “đổi màu” giá cổ phiếu, đòi hỏi sự thay đổi từ HĐQT, ban điều hành. Sự thay đổi ấy có thể bắt đầu từ thời điểm EVN chấm dứt sở hữu tại DN này, tạo ra sự ổn định và cùng nhìn về một hướng của các cổ đông lớn.
Với mức giá kỳ vọng bán ra khi thoái vốn là 12.200 đồng/CP trong khi giá hiện tại trên thị trường chỉ là 6.800 đồng/CP, EVN có lẽ phải chờ lâu hơn nữa mới “bắt” được khách. Tuy nhiên, trong trường hợp có cổ đông chấp nhận chuyển nhượng theo giá thỏa thuận thì cũng không cần giá thị trường “hồi” lên trên mệnh giá mới có thể “khớp lệnh”.
Rõ ràng, cho dù theo kịch bản nào, EVF vẫn là cuộc chơi của các “cá mập” và nỗi buồn hiện tại dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.