Hoạt động của Everland từ năm 2015 đến cuối quý II/2018 chủ yếu được nuôi bằng dòng tiền từ thu phát hành cổ phiếu 120 tỷ đồng trong năm 2016. Ảnh: Anh Quốc |
Không chỉ trả giá đắt hơn 2,5 lần so với trên sàn, số CP này còn bị hạn chế chuyển nhượng một năm và tỷ lệ sở hữu không đủ để có tiếng nói nhất định về mặt chiến lược kinh doanh, phải chăng họ đã nhìn thấy triển vọng của Everland trong thời gian tới?
Thương vụ tăng vốn khó hiểu
Thực chất, hơn 13,5 triệu CP EVG trên là lượng CP “ế” mà các cổ đông hiện hữu của Everland đã không đăng ký mua trong đợt chào bán mới đây để tăng vốn điều lệ.
HĐQT Everland quyết định phân phối lại cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính, mong muốn đầu tư dài hạn và sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của Công ty, không thuộc trường hợp là người có liên quan đến nội bộ của Công ty. Giá chào bán vẫn là 10.000 đồng/CP.
Kết quả, 8 nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền gom hơn 13,5 triệu CP do Everland phát hành gồm: Bùi Phương Thảo (2,6 triệu CP), Ngô Sỹ Tùng (2,47 triệu CP), Cao Thị Huyền My (1,71 triệu CP), Trương Thị Thu (1,63 triệu CP), Trương Quang Thế (1,57 triệu CP), Nguyễn Đình Tiện (1,49 triệu CP), Lê Thị Thùy Linh (1,3 triệu CP), Đậu Quốc Dũng (0,75 triệu CP).
Tăng vốn là hoạt động hết sức bình thường đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thương vụ tăng vốn của Everland có ít nhiều khó hiểu như phân tích ở trên. Ngoài ra, số lượng CP EVG mà các cá nhân trên sở hữu cũng không đủ để khiến họ trở thành cổ đông lớn (sở hữu 5% tổng số CP trở lên), qua đó có một tiếng nói nhất định về mặt chiến lược kinh doanh của Everland.
Về mặt logic, khó có thể lý giải “động cơ” của các cá nhân này trong thương vụ tăng vốn của Everland. Phải chăng các nhà đầu tư này nhìn thấy triển vọng phát triển của Everland trong thời gian tới?
Tiền của Everland chảy đi đâu?
Một điểm đáng chú ý trong các báo cáo tài chính của Everland là tình hình dòng tiền của Công ty. Mặc dù vẫn có lợi nhuận hàng chục tỷ đồng hàng năm nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) của Công ty liên tục âm. Cụ thể, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016 cho biết, lợi nhuận ròng đạt 12,8 tỷ đồng nhưng dòng tiền thuần từ HĐKD âm tới 45,8 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty có lãi 26 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần từ HĐKD vẫn âm tới 67,2 tỷ đồng. Theo báo cáo mới nhất, dòng tiền HĐKD của Everland âm 9,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018 nhưng vẫn ghi nhận lãi 13,6 tỷ đồng.
Không những thế, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của Everland cũng nhiều năm bị âm. Năm 2015 âm 21,9 tỷ đồng, năm 2016 âm 87,6 tỷ đồng, năm 2017 dương 85,2 tỷ đồng nhưng chủ yếu là thu hồi các khoản ủy thác đầu tư cho các cá nhân, và nửa đầu năm 2018 âm 1,2 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư của Everland chủ yếu là cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác và chi góp vốn vào các đơn vị khác, thay vì vào hoạt động mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Điều này cũng được thể hiện thông qua việc Everland đã ủy thác đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho nhiều cá nhân. Đồng thời, Everland cũng đang góp vốn vào các công ty khác để triển khai các dự án bất động sản.
Hoạt động của Everland trong giai đoạn từ năm 2015 đến cuối quý II/2018 chủ yếu được nuôi bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính, cụ thể là từ thu phát hành cổ phiếu 120 tỷ đồng trong năm 2016.
Đến đây có thể đặt ra các câu hỏi về chất lượng dòng tiền của Everland, cũng như điểm đến của nó.
Theo một chuyên gia thuộc Hiệp hội Kế toán Kiểm toán Tài chính Việt Nam, báo cáo lưu chuyển tiền tệ rất quan trọng để phản ánh chất lượng doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đâu, tại sao cả năm làm ăn có lãi mà trong năm thường xuyên thiếu tiền.
Nếu dòng tiền từ HĐKD nhiều năm liên tục âm sẽ cho thấy những rủi ro lớn đến khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ. Thậm chí việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.