EU sắp được WTO 'bật đèn xanh' để áp thuế trừng phạt Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Theo hãng tin Bloomberg, EU dự kiến sẽ được WTO “bật đèn xanh” để áp đặt các biện pháp thuế quan lên khoảng 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Một năm sau khi trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì viện trợ cho nhà sản xuất máy bay Airbus, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến sẽ cho phép khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ với lý do tương tự dành cho Boeing.

Theo hãng tin Bloomberg, EU dự kiến sẽ được WTO “bật đèn xanh” để áp đặt các biện pháp thuế quan lên khoảng 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Đây là diễn biến mới nhất trong câu chuyện gây tranh cãi đã kéo dài 16 năm giữa Washington và Brussels về vấn đề hỗ trợ các nhà sản xuất máy bay của mỗi bên.

EU đã lập sẵn một danh sách các sản phẩm của Mỹ mà họ có thể áp thuế, từ tương cà cho đến phụ tùng ôtô.

Một khi được WTO thông qua, EU có thể áp đặt thuế quan từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

EU và Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau về việc đã cung cấp các biện pháp hỗ trợ bất hợp pháp cho các nhà sản xuất máy bay tương ứng của mỗi bên. Và cả hai đều đưa ra yêu sách trước cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.

Năm ngoái, WTO đã cho phép Mỹ đáp đặt trừng phạt lên 7,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của châu Âu sau khi tổ chức này đánh giá khoản viện trợ của EU dành cho Airbus là không phù hợp với các quy định thương mại quốc tế.

Đây cũng là khoản trừng phạt có giá trị lớn nhất từng được WTO thông qua cho đến nay.

Washington sau đó đã áp thuế trừng phạt 25% đối với các sản phẩm của EU như rượu vang, pho mát và dầu ôliu. Mức thuế 10% đối với máy bay Airbus cũng đã được tăng lên 15% vào tháng Ba vừa qua.

Mặc dù một số nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi áp đặt thuế quan ngay lập tức nếu Washington không đồng ý giảm thuế quan, nhưng đa số các nhà quan sát cho rằng khối này sẽ không làm như vậy.

Thậm chí, một nguồn thạo tin bày tỏ hy vọng phán quyết của WTO sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ.

Giữa lúc ngành hàng không thế giới, bao gồm cả Airbus và Boeing, đang chìm trong cuộc khủng hoảng do COVID-19, giới quan sát cho rằng một cuộc chiến thuế quan kéo dài làm tăng giá máy bay không hề phục vụ cho lợi ích của cả EU và Mỹ./.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư