Elon Musk muốn mua đứt Twitter bằng 43 tỷ USD tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
Elon Musk khẳng định ông đề nghị mua lại Twitter không phải nhằ kiếm tiền mà nhằm tạo ra một nền tảng giao tiếp cho nền văn minh tương lai và ông đủ tiền để chi trả...
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk ngày 14/4 đã đưa ra đề nghị đưa Twitter Inc. trở thành công ty tư nhân trong một thương vụ được định giá 43 tỷ USD.

Ông cho biết sẽ trả 54,2 USD/cổ phiếu Twitter bằng tiền mặt, cao hơn 38% so với mức giá đóng cửa hôm 1/4 - phiên giao dịch cuối cùng trước khi thông tin tỷ phú này mua cổ phần Twitter được tiết lộ. Theo thông báo của Twitter trong phiên giao dịch kế sau đó, ông Musk đã mua 9,2% cổ phần công ty này vào ngày 14/3 và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty, theo Bloomberg.

Khi thông báo về đề nghị 43 tỷ USD nói trên, Musk khẳng định ông là người có thể khai phóng “tiềm năng phi thường” của nền tảng mạng xã hội có hơn 200 triệu người dùng hàng ngày này.

Giá cổ phiếu Twitter trong phiên giao dịch ngày 14/4 đóng cửa ở mức 45,08 USD, giảm 1,68%, cho thấy sự hoài nghi của các nhà đầu tư về khả năng Musk có thể thâu tóm thành công mạng xã hội này.

Musk, hiện là CEO hãng xe điện Tesla, đã thông báo về đề xuất mua lại trong một báo cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 14/4, sau khi từ chối tham gia hội đồng quản trị Twitter.

Giá cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch hôm qua. Theo các nhà phân tích, giới đầu tư có thể lo lắng rằng việc cố gắng thâu tóm Twitter sẽ khiến Musk xao nhãng công việc điều hành tại Tesla.

Trong khi đó, Twitter cho biết hội đồng quản trị công ty sẽ xem xét đề xuất của ông Musk và mọi phản ứng sẽ vì lợi ích cao nhất của tất cả cổ đông. Theo nguồn tin thân cận của tờ Information, hội đồng quản trị Twitter không hoan nghênh đề nghị này và có thể sẽ phản đối.

Trong một cuộc phỏng vấn tại một hội nghị của TED ngày 14/4 ở Vancouver (Canada), ông Musk nói rằng không chắc mình sẽ thành công với thương vụ này và tiết lộ rằng ông đã có kế hoạch B nếu hội đồng quản trị Twitter từ chối đề nghị của mình.

Twitter sở hữu tiềm năng phi thường. Tôi sẽ khai phóng nó

Elon Musk

Lời đề nghị này là màn đụng độ lớn nhất từ trước tới nay giữa Musk và Twitter. Musk là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên Twitter với hơn 80 triệu người theo dõi. Trước đó, sau khi thông tin về việc ông sở hữu hơn 9% cổ phần Twitter được tiết lộ, ông Musk lập tức bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ của người dùng Twitter về những kế hoạch như chuyển trụ sở tại San Francisco của Twitter thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư, thêm nút chỉnh sửa cho các đăng tải trên Twitter hay cấp dấu xác minh tự động cho người dùng cao cấp. Ông thậm chí nói rằng Twitter có thể sẽ chết nếu một vài người nổi tiếng có nhiều người theo dõi ít đăng bài.

Và không thỏa mãn với sức ảnh hưởng khi là cổ đông cá nhân lớn nhất của Twitter, giờ đây Musk đang khởi động kế hoạch thâu tóm cả mạng xã hội này, điều mà không nhiều người có thể làm được. Ông hiện sở hữu tài sản khoảng 260 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Tuy nhiên, dù là người giàu nhất thế giới, nhưng việc ông sẽ làm thế nào để có được 43 tỷ USD tiền mặt vẫn chưa được tiết lộ.

“Đây sẽ trở thành đề nghị thâu tóm gay cấn và cần nhiều tiền mặt. Musk có thể sẽ phải bán một lượng cổ phiếu Tesla tương đối lớn hoặc vay một khoản lớn để có tiền thực hiện thương vụ”, Neil Campling, giám đốc nghiên cứu tại Mirabaud Equity Research, nhận định.

Tại hội nghị của TED, Musk nói rằng nếu thâu tóm Twitter thành công, ông sẽ giữ lại các cổ đông khác thay vì trở thành chủ sở hữu duy nhất. Đây là điều được pháp luật cho phép đối với một công ty tư nhân.

“Về cơ bản tôi có khả năng chi trả cho thương vụ này”, Musk nói. “Nhưng đây không phải là cách để kiếm tiền. Tôi nghĩ đây là trực giác mạnh mẽ của tôi rằng việc có một nền tảng công khai đáng tin cậy tối đa và mang tính bao trùm rộng rãi là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề kinh tế học”.

Mức giá mà ông Musk đề nghị cao hơn 54% so với giá đóng cửa của cổ phiếu Twitter ngày 28/1 – thời điểm ông bắt đầu gom cổ phần Twitter.

“Nếu thương vụ không thành, do tôi không tin tưởng vào ban lãnh đạo công ty hoặc không tin tưởng rằng tôi có thể tạo ra sự thay đổi cần thiết trên thị trường đại chúng, tôi sẽ cần cân nhắc lại vị trí cổ đông của mình (tại Twitter)”, ông Musk nói.

Theo nhà phân tích Adam Crisafulli của Vital Knowledge, đề ghị 54,2 USD của ông Musk là “quá thấp” đối với các cổ đông hay để có thể được hội đồng quản trị chấp nhận. Gần 1 năm trước, giá cổ phiếu Twitter đã đạt mốc giá 70 USD.

Một cổ đông lớn khác của Twitter, Thái tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia cho biết ông phản đối đề nghị của Musk bởi mức giá đưa ra “không sát với giá trị nội tại với triển vọng tăng trưởng của Twitter”.

Dưới đây là toàn văn lá thư gửi hội đồng quản trị của Twitter của Elon Musk:

“Tôi đã đầu tư vào Twitter bởi tôi tin tưởng công ty có tiềm năng trở thành một nền tảng tự do ngôn luận toàn cầu và tôi tin rằng tự do ngôn luận là một nguyên tắc xã hội của nền dân chủ.

Tuy nhiên, sau khi đầu tư, giờ đây tôi nhận ra rằng công ty sẽ không thúc đẩy hay phục vụ nguyên tắc xã hội đó với cấu trúc hiện tại. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân.

Do đó, tôi đề nghị mua lại 100% cổ phần Twitter bằng tiền mặt với giá 54,2 USD/cổ phiếu, cao hơn 54% so với ngày tôi bắt đầu đầu tư vào Twitter và 38% so với ngày trước khi khoản đầu tư của tôi được thông báo công khai. Đề nghị của tôi là tốt nhất và là giá cuối cùng, và nếu nó không được chấp nhận, tôi sẽ cần cân nhắc lại vị trí cổ đông của mình.

Twitter sở hữu tiềm năng phi thường. Tôi sẽ khai phóng nó”.

Chuyên đề