ECB tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nâng lãi suất huy động từ mức 0% lên 0,75%.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo ECB, bước đi quan trọng này nhằm đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu trung hạn 2%. Bên cạnh đó, ECB "dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lãi suất vì lạm phát vẫn còn quá cao và có khả năng duy trì trên mục tiêu trong một thời gian dài".

Ngoài ra, ECB đã điều chỉnh tăng kỳ vọng lạm phát ở mức trung bình 8,1% vào năm 2022, 5,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024.

Các thị trường đa phần đều dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75%, với việc đồng Euro sẽ duy trì đi ngang so với đồng Bảng Anh và tăng nhẹ so với đồng USD lên mức 1,0005 USD/EUR. Trước đó, hôm đầu tuần, đồng Euro đã giảm xuống dưới mức 0,99 USD/EUR, lần đầu tiên trong 20 năm.

Động thái tăng lãi suất lần này của ECB nối tiếp đợt tăng từ mức -0,5% lên 0% trong cuộc họp hồi tháng 7. Trước đó, ECB đã duy trì mức lãi suất âm kể từ năm 2014 nhằm thúc đẩy chi tiêu và chống lại lạm phát thấp.

Nhưng hiện nay, họ đang phải đối mặt với một vấn đề rất khác đó là lạm phát leo thang, với việc giá tiêu dùng trong khu vực đồng Euro tăng 9,1% trong tháng 8, lập kỷ lục tháng thứ 9 liên tiếp.

Lạm phát ở khu vực châu Âu được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng vọt sau xung đột tại Ukraine. Giá cả cũng tăng mạnh trong các lĩnh vực như thực phẩm, quần áo, ô tô, thiết bị nhà ở và các dịch vụ. Các yếu tố gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng và tác động của các đợt nắng nóng cũng góp phần làm giá cả tăng lên.

Tổng sản phẩm quốc nội trên toàn khu vực châu Âu đã tăng 0,8% trong quý II, tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, khả năng suy thoái trên toàn khu vực trong những tháng tới là không thể tránh khỏi khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn.

“Năng lượng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, cùng với sự gia tăng lương thực, nhưng lạm phát giá cũng lan rộng trên một loạt sản phẩm và dịch vụ mà nhu cầu đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, khi đối mặt với lạm phát cực kỳ cao, mức độ nghiêm trọng và dai dẳng trên các lĩnh vực có tính chất đó, cần phải có hành động kiên quyết”, bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB cho biết.

Chuyên đề