Chủ tịch ECB Mario Draghi phát biểu trong một cuộc họp báo sau phiên họp Hội đồng thống đốc ở Frankfurt am Main, miền tây nước Đức ngày 21/1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong cuộc họp đầu tiên của năm 2016 diễn ra ngày 21/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử, bất chấp những bất ổn của các thị trường tài chính thế giới trước những quan ngại liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách này của ECB được cho là sẽ không kéo dài lâu, trong bối cảnh những yếu tố như bất ổn thị trường, lạm phát thấp và cổ phiếu ngân hàng sụt giảm có thể sẽ buộc ngân hàng này phải “đổi ý” trong thời gian tới.
Theo quyết định của ECB, lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chủ chốt trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được giữ nguyên ở mức thấp kỷ lục 0,05% từ tháng 9/2014, trong khi lãi suất tiền gửi cũng được giữ nguyên mức -0,30%.
Quyết định này của ECB không gây bất ngờ khi hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngân hàng này trước mắt sẽ chưa có biện pháp nới lỏng trong các chính sách của mình. Đồng euro vẫn ổn định sau quyết định trên của ECB, với tỷ giá 1 euro đổi được 1,0905 USD.
Trước đó, chuyên gia kinh tế Andrew Cates của ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS, Anh) cho rằng ECB sẽ giữ nguyên lãi suất và quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) hiện thời, mặc dù biến động trên thị trường tài chính và số liệu lạm phát yếu là những cơ sở củng cố khả năng ECB công bố thêm những chính sách kích thích kinh tế trong thời gian tới.
Joerg Kraemer, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Commerzbank, cho rằng ECB có thể sẽ giảm lãi suất huy động vào tháng 3/2016 và nếu dự báo về lạm phát trong Eurozone tiếp tục bị cắt giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% thì ECB sẽ có thêm động lực để thực hiện điều này.