ECB có thể tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tuần tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng lớn nhất của Phố Wall đã đẩy mạnh dự báo về lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cho rằng lạm phát nhanh hơn dự kiến sẽ thuyết phục các quan chức phản ứng quyết liệt hơn nữa.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, Bank of America và JPMorgan hiện dự đoán mức tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tuần tới mà các thành viên Hội đồng quản trị ECB đã đưa ra như một lựa chọn trong những ngày gần đây.

Sự thay đổi này diễn ra sau dữ liệu được đưa ra vào hôm 31/8 cho thấy, lạm phát tại khu vực đồng Euro đã ở mức cao kỷ lục là 9,1% trong tháng 8, cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế và thậm chí còn cao hơn mục tiêu 2% của ECB.

“Số lượng các nhà hoạch định chính sách tại ECB ưa phản ứng mạnh mẽ hơn đã tăng lên. Dữ liệu lạm phát hôm 31/8 sẽ khuyến khích họ hơn nữa. Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có một đợt tăng 75 điểm cơ bản vào tuần tới”, nhà kinh tế học Greg Fuzesi của JPMorgan cho biết.

Ngay sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Đức Joachim Nagel đã kêu gọi “tăng lãi suất mạnh mẽ trong tháng 9” và cho biết, “dự kiến ​​sẽ có thêm các mức tăng lãi suất sau đó”.

Nhà kinh tế học tại Goldman Sachs Sven Jari Stehn nhấn mạnh, lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng khi các biện pháp hỗ trợ tạm thời ở Đức chấm dứt và chi phí năng lượng cao tiếp tục tính vào giá bán lẻ.

Tuy nhiên, những dự báo như vậy đi kèm với sự không chắc chắn. Các nhà kinh tế Bank of America cho biết: “Sự kết hợp của thông điệp gần đây với con số lạm phát bất ngờ trong tháng 8, đặc biệt là lạm phát cơ bản, có nghĩa là một động thái tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng trong tháng 7 hiện có khả năng xảy ra nhiều hơn một chút”.

Gần đây, ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách bắt đầu kêu gọi thực hiện một bước tăng lãi suất 75 điểm cơ bản - đây là mức tăng đã được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) triển khai hai lần. Trong khi đó, các quan chức của ECB thận trọng hơn khi châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái.

Mức tăng giá nhanh nhất kể từ khi đồng euro được giới thiệu cách đây hơn hai thập kỷ khiến các nhà hoạch định chính sách ở Frankfurt tìm kiếm một sự cân bằng mong manh: Lãi suất phải được nâng lên đủ để đẩy lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nhưng không quá nhiều để nó chặn đứng bất kỳ động lực kinh tế nào trong khi châu Âu vẫn còn trong bối cảnh lo ngại về việc cắt giảm năng lượng của Nga trong mùa đông này.

Trong khi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân đằng sau sự tăng vọt của giá năng lượng, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot cho biết hôm 30/8 rằng, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ sau khi các đợt phong toả kết thúc cũng đã đẩy giá lên cao hơn. Ông cảnh báo, tiền lương tăng và đồng Euro yếu gây áp lực tăng giá, đồng thời thúc giục bình thường hóa chính sách tiền tệ "nhanh chóng".

Các nhà kinh tế ngày càng dự đoán về một cuộc suy thoái khu vực đồng Euro trong những quý tới khi chi phí sinh hoạt tăng cao làm giảm nhu cầu, làm suy yếu sự phục hồi của đại dịch. ECB sẽ làm sáng tỏ triển vọng với một loạt dự báo mới tại cuộc họp ngày 7 - 8/9.

Chuyên đề