Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, tính từ ngày 27/12/2023 đến ngày 29/1/2024, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm sản xuất trúng thầu nhiều dự án từ địa phương trên cả nước.
Tổng giá trị thuốc này do nhiều nhà thầu cung ứng trúng thầu, trong đó, với vai trò nhà thầu cung ứng, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm trực tiếp tham dự và được lựa chọn trúng thầu tại nhiều bên mời thầu là các sở y tế địa phương. Trong số các mặt hàng thuốc trúng thầu do Imexpharm sản xuất, Ampicillin + Sulbactam là mặt hàng có nhiều nhà thầu cung ứng. Ampicillin + Sulbactam là một trong những sản phẩm thuốc kháng sinh của Imexpharm được xem là đứng đầu tại thị trường Việt Nam hiện nay (bao gồm cả các công ty nước ngoài và nội địa).
Với thành công trong việc đấu thầu của Imexpharm đang cho thấy triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược nội, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh với dược ngoại. Được biết, vừa qua Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thông qua, mở ra những cơ chế trong việc lựa chọn nhà thầu khuyến khích mua sắm các sản phẩm tốt, phát minh mới và có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao.
Đây đang là động lực để các doanh nghiệp ngành dược đầu tư sâu cho công nghệ, dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP. Qua đó, dược phẩm nội có thể cung cấp ra thị trường thuốc chất lượng cao, chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước cạnh tranh với thuốc ngoại nhập.
Hiện nay, theo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, dù Việt Nam có hơn 250 nhà máy sản xuất thuốc và 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP trở lên nhưng mới chỉ có 18 công ty đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PIC/S-GMP hoặc tương đương.
Imexpharm là doanh nghiệp đầu tiên có 4 cụm nhà máy, trong đó có 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP với 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Theo kế hoạch của năm 2024, Imexpharm dự kiến đầu tư và thực hiện các sáng kiến nhằm tăng năng suất của các dây chuyền, nhà máy hiện hữu; đồng thời nghiên cứu đánh giá khả thi một số dự án đầu tư nhà máy, dây chuyền mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Đại diện của Imexpharm cho biết, Luật Dược đang được sửa đổi, sẽ cho phép đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thuốc mới và xóa bỏ các rào cản hiện tại trong việc cung cấp thuốc tại thị trường Việt Nam. Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu tăng tổng doanh thu 24% và doanh thu thuần tăng 19% cùng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%. Kênh ETC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Imexpharm.
Để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, một số địa phương đang thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sâu cho R&D. Chẳng hạn Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố đặt mục tiêu hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y - dược, trong đó có ít nhất 1 trung tâm R&D, 2 trung tâm sản xuất và 3 trung tâm giao dịch.