Đưa ra một quy hoạch “mở” hơn trong ngành năng lượng

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Quy hoạch năng lượng lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh nội dung này tại Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 11/11, tại Hà Nội.

Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức tại Hà Nội (ảnh: MK)
Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức tại Hà Nội (ảnh: MK)

Hội thảo tập trung vào nội dung công bố, lấy ý kiến tập trung vào phương án phát triển các phân ngành năng lượng, bao gồm điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo.

Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHNL) được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 55 nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đồng thời, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương…

Trước đó, Tại Hội thảo lần 1 được tổ chức cuối tháng 8/2020, các cơ quan tư vấn đã báo cáo tóm tắt 5 chương đầu của Đề án Quy hoạch, với các nội dung trọng tâm là phương pháp luận, hiện trạng cung cầu năng lượng và tình hình thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng.

Chuyên đề