Luật Hỗ trợ DNNNV đã khắc phục được những điểm yếu của các chính sách hỗ trợ ban hành trước đó. Ảnh: Tiên Giang |
Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến cho rằng, để những quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho các DNNVV, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương.
Có tình trạng chưa nắm bắt và thực hiện đầy đủ quy định
Đề cập về những kết quả bước đầu triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho rằng, từ thời điểm Luật có hiệu lực đến nay chưa lâu, nên cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Thắng, với tư cách cơ quan tham mưu xây dựng cũng như là đầu mối triển khai Luật, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có việc khảo sát sơ bộ công tác đưa Luật vào cuộc sống tại 3 miền. Đồng thời, Bộ cũng làm việc với các hiệp hội DN nhằm đánh giá sơ bộ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai. “Điểm chung là, Luật được các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng DN, đánh giá cao và kỳ vọng hiệu lực của Luật khi đi vào cuộc sống”, Thứ trưởng thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, qua các buổi làm việc, có thể thấy cơ bản các nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương được triển khai quyết liệt. Dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn một số chính sách chưa được các cơ quan thực thi Luật tại địa phương áp dụng đầy đủ đối với các DN. Điển hình là với quy định miễn tiền đăng ký cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN, còn có địa phương vẫn chưa nắm bắt và thực hiện đúng. Do đó, một số hộ gia đình khi chuyển đổi thành DN vẫn phải nộp chi phí này.
Đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cũng đánh giá, sau gần 9 tháng Luật có hiệu lực, vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận xét: “Quá trình triển khai Luật đã có nhiều cố gắng, song kết quả đạt được chưa đáng kể bởi vướng phải 3 “điểm nghẽn”. Đầu tiên là công tác tuyên truyền cho DNNVV thông hiểu được chính sách còn hạn chế. Tiếp đó là hạn chế về nguồn lực hỗ trợ; sự phối hợp giữa các đơn vị triển khai Luật còn rời rạc”.
Đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ
Cho dù thời gian kể từ khi Luật DNNVV có hiệu lực chưa đủ dài để đánh giá hiệu quả thực thi Luật, song nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, để những quy định hết sức thiết thực hỗ trợ khối DN này lớn mạnh, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Luật Hỗ trợ DNNVV là đạo luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống để có thể triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các nội dung hỗ trợ. Thời gian tới, công tác tuyên truyền về Luật, các văn bản hướng dẫn tới các chính quyền địa phương cần sâu sát hơn nữa để họ nắm được những quy định cũng như quyền lợi của DN được Luật quy định. “Đẩy mạnh tuyên truyền sẽ đảm bảo được quá trình thực thi chính sách một cách đồng bộ, tránh tình trạng phân tán, kém hiệu quả”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.
Đánh giá cao đề xuất này, ông Tô Hoài Nam nhìn nhận, Luật Hỗ trợ DNNNV đã khắc phục được những điểm yếu của các chính sách hỗ trợ DNNVV ban hành trước đó. Do đó, quá trình triển khai đòi hỏi có cách làm mới. Đơn cử, về công tác tuyên truyền, thay vì các cơ quan quản lý nhà nước triển khai Luật ngồi chờ DN đến, thì các đơn vị này cần đến gặp DN để tuyên truyền và biết họ đang cần hoặc thiếu gì, từ đó việc hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, để bảo đảm những quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc đốc thúc phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác tại Hội nghị cho rằng, các đơn vị được giao xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng điện tử hóa…