Đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển khá, trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 27/10, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong trung và dài hạn, Điện Biên sẽ nắm bắt các cơ hội, lường trước các thách thức, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, là trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Làm rõ nét những đột phá và động lực cho phát triển

Điện Biên có tiềm năng phát triển thủy điện, lâm nghiệp, nông nghiệp, văn hóa kết hợp du lịch. Bên cạnh đó, Điện Biên có vai trò là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước; là nơi có những cảnh quan tươi đẹp và có di tích lịch sử Điện Biên Phủ được cả thế giới biết đến.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định. Ảnh Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định. Ảnh Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương cho biết, Điện Biên là địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đó là vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm; điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt mạnh; tài nguyên khoáng sản tuy đa dạng về chủng loại nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong Tỉnh; trình độ dân trí và nguồn nhân lực thấp.

Năm 2020, GRDP của Tỉnh theo giá hiện hành đạt 20,36 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2010. Tăng trưởng GRDP của Điện Biên thấp hơn so với trung bình của cả nước, do đó khoảng cách GRDP của Điện Biên với cả nước đang có xu hướng gia tăng. Xét chung về giá trị GRDP cũng như tốc độ tăng trưởng GRDP của Điện Biên đều thuộc nhóm thấp nhất của cả nước, chỉ cao hơn so với Cao Bằng và Bắc Kạn. Do đó, khoảng cách về GRDP của Điện Biên so với các tỉnh còn lại ngày càng bị kéo giãn.

Để tỉnh Điện Biên phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp Tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các ý kiến thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định tập trung thảo luận, đánh giá đầy đủ các yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển, trong đó có việc xác định các tồn tại, hạn chế cần giải quyết, nhất là liên quan đến sự thay đổi khó lường và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai; sự đảm bảo của hạ tầng giao thông kết nối với khu công nghiệp, khu du lịch, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...; về nguồn nhân lực.

Việc lựa chọn phương án phát triển nào sẽ phù hợp và khả thi trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải...). Đảm bảo phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia cũng như thể hiện được khát vọng phát triển của Tỉnh.

Làm rõ nét và sâu sắc hơn việc phát triển các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Điện Biên và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng mà Tỉnh đã đề xuất như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, công nghiệp năng lượng.

Phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Ảnh Đức Trung

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Ảnh Đức Trung

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Quy hoạch tỉnh Điện Biên là một khâu đột phá trong việc huy động trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị tham gia xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp từng bước đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc.

Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh, hướng tới mục tiêu xác định tầm nhìn phát triển trong trung và dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các thế mạnh, khắc phục được các điểm yếu của Tỉnh, nắm bắt được các cơ hội, lường trước các thách thức, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, công tác lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên đã được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường; là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới và khối đại đoàn kết các dân tộc.

Quy hoạch Tỉnh cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng khả thi với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,54%/năm; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 18,64%/năm, trong đó công nghiệp là 17,3%/năm và nhóm ngành dịch vụ tăng 7,15%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 12,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42,4% (công nghiệp chiếm 12,1% trong tổng GRDP) và dịch vụ chiếm 41,2% trong GRDP. Tổng vốn đầu tư theo giá hiện hành cần có để đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 326 nghìn tỷ đồng.

Hạ tầng đi trước, tạo các liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới

Trong không gian phát triển của Điện Biên thời gian tới, Dự thảo Quy hoạch tổ chức không gian với 3 vùng kinh tế; 4 trục phát triển kinh tế; 4 cực tăng trưởng chính.

Sơ đồ cấu trúc không gian các cực tăng trưởng và các trục phát triển của tỉnh Điện Biên
Sơ đồ cấu trúc không gian các cực tăng trưởng và các trục phát triển của tỉnh Điện Biên

Cụ thể, 3 vùng kinh tế gồm: vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) bao gồm TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Đây là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…

Vùng kinh tế II bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, du lịch.

Vùng kinh tế III bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay, là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Quy hoạch Tỉnh đưa ra 4 trục kinh tế động lực gồm trục theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với Cảng hàng không Điện Biên Phủ là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến, tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12 là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam Tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang. Đây cũng là tuyến giao thông cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận.

Trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 6 là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh phía Đông Nam như: Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội. Kết hợp với các tuyến trục tỉnh lộ 139, 146, 149B, 100 tạo thành trục vành đai phía Đông của Tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của Tỉnh.

Trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của Tỉnh là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại, dịch vụ, kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu Apachải sang Trung Quốc.

Với 4 cực tăng trưởng (TP. Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé), tỉnh Điện Biên kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp chế biến (chế biến nông, lâm sản) và dịch vụ, tăng cường và tạo ra các liên kết phát triển mới với các tỉnh trong vùng cũng như với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc nhằm đạt được mức tăng trưởng cao.

Chuyên đề