Đưa câu chuyện phát triển đến gần nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không trông chờ nhà đầu tư tìm đến, Quảng Bình đang vận dụng đa kênh, đa phương tiện đưa câu chuyện phát triển đến gần, đến nhanh, thuận lợi và hiệu quả với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với cách làm này, Quảng Bình đang thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư bằng phương pháp chủ động, linh hoạt và sáng tạo thay vì theo phương pháp truyền thống.
Quảng Bình có nhiều lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, dư địa thu hút đầu tư từ 10 khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng logistics hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Đức
Quảng Bình có nhiều lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, dư địa thu hút đầu tư từ 10 khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng logistics hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Đức

Mở rộng tư duy kết nối

Có nhiều “con đường” thông thoáng, hiện đại, vững chắc được tỉnh Quảng Bình tập trung đầu tư, xây dựng để đến gần hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tin tưởng khi chọn mảnh đất “gió Lào, cát trắng” làm nơi khởi đầu những ý tưởng mới, dự án mới. Trong những “con đường” đó có nỗ lực cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng giao thông, khai phá những tiềm năng về đất, về người để cùng nhà đầu tư đưa Quảng Bình trở thành địa phương phát triển năng động của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư được tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc chọn Thủ đô tổ chức một sự kiện lớn có tác động bao trùm đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của địa phương là lựa chọn khôn ngoan, cho thấy sự thay đổi về tư duy, tầm nhìn chiến lược trong thế chủ động đưa hình ảnh địa phương vượt ra khỏi không gian địa lý để tiếp cận với các nhà đầu tư.

Theo bà Nguyễn Thị Vân - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Quảng Bình đưa khát vọng phát triển đến gần với nhà đầu tư là “cách làm mới khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh trong việc lan tỏa tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư tại Quảng Bình”.

Ông Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đánh giá, Quảng Bình có lợi thế là lực lượng lao động dồi dào; dư địa thu hút đầu tư lớn từ 10 khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng logistics hoàn chỉnh với cảng nước sâu Hòn La, cửa khẩu Cha Lo, sân bay Đồng Hới. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ lợi thế khi sản xuất tại Quảng Bình so với sản xuất gần Hà Nội và xuất khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng.

Chọn “người thật, việc thật” làm đầu

Điều quan trọng làm nên thành công chính là những thông điệp mà tỉnh Quảng Bình đem đến cho các nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua 10 cam kết rõ ràng, cụ thể, bao gồm: đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính (đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng, hải quan, thuế...); giảm thiểu các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát (không quá 1 cuộc/năm, bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành; áp dụng mức ưu đãi tối đa về thuế, phí, tiền sử dụng đất và các hỗ trợ khác cho các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; cung cấp công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư; bảo đảm cung cấp đầy đủ, chất lượng nguồn điện, nước sạch, viễn thông... cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư mới hoặc dự án cần tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh; cam kết bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ngoài hàng rào các doanh nghiệp, nhà máy; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự và hình thành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và thiết lập đường dây nóng phản ánh tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh.

Để đồng hành cùng nhà đầu tư, theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư, nhất là ở cấp sở, ngành, địa phương, cơ sở, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tạo môi trường thông thoáng, cởi mở để cùng nhau hợp tác phát triển, mở ra hành trình mới với những kỳ vọng mới. Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Quảng Bình luôn đặt sự thiết thực, “người thật, việc thật”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định, quan tâm vấn đề môi trường... lên hàng đầu. Trong một “sân chơi bình đẳng”, mọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đều được tôn trọng, được đồng hành, hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích, chung tay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “Đưa Quảng Bình đến gần hơn với nhà đầu tư cũng là đưa Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung và cả nước”, ông Thắng khẳng định.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Quảng Bình hướng đến mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực. Với định hướng này, Quảng Bình sẽ mở rộng thị trường vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư