Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 giảm 11% so với năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Đây là con số được nêu tại Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội đang đươc Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Dự toán thu nội địa năm 2021 là 1.133,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet
Dự toán thu nội địa năm 2021 là 1.133,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet

Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.133,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,4% tổng thu cân đối NSNN, đáp ứng yêu cầu tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong cơ cấu thu ngân sách (dự toán năm 2020 là 83,6%; ước thực hiện là 84,3%). Dự toán thu dầu thô là 23,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối NSNN; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 178,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu cân đối NSNN. Dự toán thu viện trợ là 8,13 nghìn tỷ đồng.

Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN giai đoạn 2017 - 2020; đồng thời, tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2021 phù hợp với khả năng thu NSNN. Thứ nhất, ưu tiên bố trí tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tiếp tục yêu cầu bố trí tập trung, tránh phân tán; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp, cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và các khoản chi chưa thật cần thiết. Thực hiện đúng nguyên tắc bội chi NSNN chỉ dùng cho chi đầu tư phát triển (ĐTPT).

Thứ hai, bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn; quản lý chặt chẽ các khoản vay.

Thứ ba, bố trí bảo đảm nhiệm vụ chi của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đối với những nhiệm vụ trọng yếu theo khả năng triển khai thực hiện năm 2021; cơ bản chuyển các nhiệm vụ chi của 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 (gồm cả chi ĐTPT và chi thường xuyên) thành nhiệm vụ chi của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Luật NSNN.

Thứ tư, bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.

Với nguyên tắc, định hướng như trên, dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020.

Dự kiến, bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể, chi ĐTPT là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN (dự toán năm 2020 là 26,9%), tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020.

Chi trả nợ lãi là 110,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng chi NSNN, giảm 8,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Chi thường xuyên là 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN, giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng (giảm 1,9%) so với dự toán năm 2020. Đồng thời, chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi ĐTPT, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1%GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh.

Chuyên đề