Dự thảo Quy hoạch điện VIII cập nhật: Tăng điện than, giảm năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Đã có ý kiến cho rằng, bản Dự thảo có những bước lùi khi tăng thêm điện than và giảm năng lượng tái tạo.
Cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững với giá thành ngày càng cạnh tranh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững với giá thành ngày càng cạnh tranh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Dự thảo Quy hoạch lần này cho thấy “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Trong khi đó, lộ trình điện cạnh tranh chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực quy hoạch, nhất là nguồn lực vốn đầu tư chưa thuyết phục. Theo VSEA, việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện đại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã giảm công suất nguồn điện than. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch cập nhật có vẻ đang đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết số số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

VSEA cho rằng, những dự án điện than có tính khả thi thấp do gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn đầu tư, cùng với đó là giá than đang có diễn biến tăng cao có nguy cơ sẽ làm tăng giá bán điện.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định, Quy hoạch điện VIII xem xét giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than một cách hợp lý, trong đó sẽ loại bỏ những nhà máy không khả thi về địa điểm trong quy hoạch trước như: Nhiệt điện Cẩm phả III, Quảng Ninh III, Hải Phòng III… Về sự phù hợp của phương án phát triển điện lực sau rà soát với Nghị quyết số 55, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ năng lượng tái tạo đến năm 2030 đáp ứng các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết.

Trước những phân tích trên, tại Tọa đàm trực tuyến Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh do VSEA tổ chức chiều ngày 16/9, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang cố gắng sửa chữa những điểm chưa tốt trong quy hoạch điện trước đó. Do vậy, việc Dự thảo cập nhật đề xuất tăng công suất điện than, giảm công suất điện tái tạo cần hết sức cân nhắc. Lý do được ông Huân đưa ra là, Quy hoạch điện VII đã quá cũ, tiến độ nhiều dự án nhiệt điện than cũng quá chậm, buộc phải xây dựng Quy hoạch điện VIII. Hơn nữa, hiện đã có định hướng mới về phát triển năng lượng, trong đó có nhấn mạnh đến việc phát triển bền vững năng lượng quốc gia.

Bà Ngụy Thị Khanh, Chủ tịch VSEA kiến nghị, Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại vừa qua do bùng nổ của điện mặt trời chưa hợp lý làm cản trở định hướng này. Cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững với giá thành ngày càng cạnh tranh. Đây là giải pháp mà phần lớn các quốc gia trên thế giới lựa chọn trong hành trình dịch chuyển và cũng là con đường Việt Nam sẽ phải đi.

Vẫn theo bà Khanh, những dự án điện than có tính khả thi thấp, không được địa phương ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm phương án thay thế. Bởi, trong quá khứ đã có nhiều dự án điện than đã không triển khai được vì những lý do này.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, Dự thảo cập nhật nên giữ nguyên mức công suất điện than như trước đó, đồng thời, tăng công suất điện gió khi mà tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam đang rất lớn với tính ưu việt cao. Ngoài ra, để tránh “sốc” cho các nhà đầu tư trong việc thay đổi chính sách phát triển các dự án điện tái tạo, trong đó có việc dừng cơ chế giá FIT, Quy hoạch điện VIII cần đẩy mạnh tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, tại Dự thảo Quy hoạch, Bộ Công Thương kiến nghị cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật để có đẩy đủ cơ sở triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện tái tạo.

Chuyên đề