Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống các quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là nội dung sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa các quy hoạch là nội dung cần xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng; cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị nông thôn (QHĐTNT), khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Liên quan đến nội dung này, ngày 24/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ QHĐTNT là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 2 dự thảo luật.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), các nội dung tại Điều 6 dự thảo Luật liên quan đến quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn còn thiếu, chưa quy định một yêu cầu rất quan trọng là phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vùng tỉnh, vùng huyện 5 năm và tầm nhìn định hướng phát triển chung lâu dài…

Về nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Điều 7, đại biểu này cho rằng cũng còn chưa đầy đủ, thiếu nguyên tắc về tuân thủ kế hoạch sử dụng đất hằng năm và quy hoạch sử dụng đất theo chu kỳ 5 năm, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng lâu dài của quốc gia.

Nhấn mạnh một nội dung hết sức quan trọng mà dự thảo Luật cần lưu ý, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có quy định để xử lý tình trạng chồng chéo quy hoạch trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm chỉnh quy hoạch cấp trên với quy hoạch cấp dưới, quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch chung theo nguyên tắc của Luật Quy hoạch năm 2017.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đặt vấn đề, dự thảo Luật cần có quy định để bảo đảm sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch… Theo đại biểu Lã Thanh Tân, tại Điều 8 của dự thảo Luật quy định, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.

Đại biểu này cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. “Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo Luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi”, đại biểu nêu rõ.

Từ các phân tích này, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.

Giải trình, làm rõ vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác… Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ vấn đề tại phiên thảo luận

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ vấn đề tại phiên thảo luận

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu, đối với mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch 2017. Theo đó, tại khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch cũng đã quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cũng như sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư sẽ phải được quy định rõ ràng và cụ thể trong luật trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, như sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu để tránh gây vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực tế. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện các quy định này để đảm bảo đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi.

Chuyên đề