Phú Quốc - Ảnh minh họa |
Theo dự thảo Luật, Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư các ngành, nghề ưu tiên phát triển, công nghệ cao; áp dụng phương thức quản lý tiên tiến từ nước ngoài và hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nhà nước có chính sách đặc thù để phát triển các ngành, nghề phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế so sánh của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cụ thể, đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phát triển các ngành nghề: Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; thương mại, tài chính.
Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân.
Quyền của nhà đầu tư chiến lược
Dụ thảo nêu rõ, nhà đầu tư chiến lược có quyền được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong trường hợp dự án đầu tư có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đề xuất thực hiện; được tham gia đầu tư kinh doanh, phát triển, quản lý và vận hành các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khu chức năng trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hình thức đầu tư phù hợp với quy định tại Luật này; được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; được tham gia lập, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ: Tổ chức thực hiện dự án đầu tư theo cam kết và tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo cam kết.
Chính sách đất đai, xây dựng
Đối với quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo đề xuất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đất đai thuê đất, thuê lại đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 và Điều 175 của Luật đất đai tương ứng với hình thức sử dụng đất.
Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không quá 70 năm. Căn cứ đề nghị của nhà đầu tư và quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn sử dụng đất hơn 70 năm, nhưng không quá 99 năm đối với dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc và các dự án đầu tư quy định.
Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đất đai được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư.