Dự phòng nợ xấu của Nhựa Tiền Phong tăng do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi doanh nghiệp đầu ngành ống nhựa xây dựng phía Nam là Công ty CP Nhựa Bình Minh ghi nhận lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 24,2% thì “ông lớn” ngành nhựa phía Bắc, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) lại báo lãi giảm 6,7%.
Khoản trích lập dự phòng phải thu là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Ảnh: Trần Kỳ
Khoản trích lập dự phòng phải thu là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Ảnh: Trần Kỳ

Kết quả thiếu tích cực của Nhựa Tiền Phong một phần đến từ chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng đột biến trong quý II/2020.

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã được kiểm toán của Nhựa Tiền Phong, doanh thu bán hàng thuần của Công ty đạt 2.155 tỷ đồng, giảm gần 13,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, giá nhựa nguyên liệu đầu vào là PVC, HDPE và PP (chế phẩm dầu mỏ và khí thiên nhiên) giảm trong quý II/2020 giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp ở mức 32,3%, tăng so với con số 31,1% cùng kỳ năm 2019. Qua đó, lợi nhuận gộp của Công ty chỉ giảm 10%, đạt 697 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ đại lý và kênh phân phối thông qua việc gia tăng chiết khấu nhằm giữ vững thị phần, nhưng tỷ lệ chiết khấu trên doanh thu bán hàng thuần trong 6 tháng đầu năm của Nhựa Tiền Phong chỉ còn khoảng 7,8%, thấp hơn so với con số 11,2% của cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, Công ty tiết giảm được 33% chi phí bán hàng, chỉ còn 273,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý của Công ty lại tăng gần gấp đôi từ 62,7 tỷ đồng lên 148,4 tỷ đồng. Chiếm hơn một nửa khoản chi phí này là trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Nhựa Tiền Phong giảm 5,3% (tương đương 13,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019, đạt 237 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 204,1 tỷ đồng, giảm 6,7%.

Trong bản giải trình về kết quả kinh doanh, Nhựa Tiền Phong cho biết, khoản trích lập dự phòng phải thu là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của Công ty.

Cuối quý II/2020, khoản trích lập dự phòng này của Công ty là gần 80 tỷ đồng, gấp 80 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, 77,8 tỷ đồng dùng để trích lập cho khoản phải thu với Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (gọi tắt là Minh Hải).

Tính đến cuối quý II/2020, khoản nợ phải thu với Minh Hải còn khoảng 334,4 tỷ đồng và được phân loại vào nợ quá hạn trên 6 tháng và dưới 1 năm. Thuyết minh cũng ghi rõ, Minh Hải là công ty có thành viên quản lý chủ chốt là cá nhân liên quan đến Nhựa Tiền Phong.

Kể từ khi được thành lập, Minh Hải đã là đối tác mua hàng lớn của Nhựa Tiền Phong. Theo tìm hiểu, công ty này được thành lập vào cuối tháng 11/2006 bởi 2 cổ đông sáng lập là Lê Thị Thúy Hải và Đặng Quốc Minh. Cơ cấu cổ đông của Minh Hải hiện đã có những thay đổi nhưng vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty hiện vẫn do bà Hải đảm nhiệm. Bà Hải được biết đến là vợ ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT của Nhựa Tiền Phong, còn Đặng Quốc Minh là con trai ông Dũng.

Theo Báo cáo thường niên 2019 của Nhựa Tiền Phong, ông Dũng tham gia HĐQT Công ty từ năm 2007, không lâu sau khi Minh Hải được thành lập. Trong giai đoạn 2018 - 4/2019, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty.

Theo một báo cáo được Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) phát hành vào tháng 6/2020, Nhựa Tiền Phong đang chịu rủi ro chiếm dụng vốn tương đối lớn từ nhà phân phối. Tỷ lệ phải thu/doanh thu của Công ty dù đã giảm từ 33% năm 2018 xuống còn 19% năm 2019, nhưng vẫn còn tương đối cao so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Con số này tính đến cuối quý II/2020 theo tính toán của Báo Đấu thầu ở mức 43,3%.

FPTS cũng nhấn mạnh, năm 2019, các khoản phải thu của Nhựa Tiền Phong chủ yếu đến từ các nhà phân phối ống nhựa. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 54%) là khoản phải thu đến từ Minh Hải - một trong ba nhà phân phối lớn nhất và cũng là bên liên quan của Công ty.

Chuyên đề