Du lịch xứ Thanh chuyển mình cùng các đại dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chính thức thông xe đã giúp Thanh Hóa gần hơn với du khách bốn phương. Cùng với loạt dự án hạ tầng giao thông, du lịch tầm cỡ và lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, Thanh Hóa đang khoác trên mình diện mạo mới để trở thành điểm du lịch hấp dẫn bốn mùa trong năm.
Khu bảo tồn Bến En. Ảnh: BQL Vườn quốc gia Bến En
Khu bảo tồn Bến En. Ảnh: BQL Vườn quốc gia Bến En

Nâng tầm du lịch biển

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng một bãi biển với bờ cát trải dài, dãy núi Trường Lệ xanh xanh những cánh rừng thông, bạch đàn, cùng các danh thắng như đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Cô Tiên…, Sầm Sơn đang trở thành điểm đến có sức hút lớn với du khách. Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất của cả nước, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thành phố du lịch này.

Đáng kể nhất là trong năm nay, thành phố Sầm Sơn đã đưa vào vận hành Quảng trường biển và trục đại lộ quy mô bậc nhất Việt Nam nhằm tạo thêm không gian cộng đồng mới mẻ cho du khách. Quảng trường biển (dự án BT) và một số dự án khác (với diện tích khoảng 310 ha) thuộc quy hoạch Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm Chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy du lịch Sầm Sơn “cất cánh”.

Chọn Sầm Sơn cho chuyến du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5, anh Tuấn đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Sầm Sơn năm nay khác về mọi mặt. Về phố xá và quản lý đô thị, không còn tình trạng hàng rong, tệ nạn. Năm nay, Sầm Sơn có thêm khu quảng trường biển rộng đẹp với nhiều chương trình như nhạc nước, biểu diễn nghệ thuật đường phố nên rất nhộn nhịp về đêm. Thành phố du lịch đã phát triển đúng hướng nhưng vẫn ít điểm vui chơi về đêm, cần phải xây dựng thành phố du lịch không có đêm mới đúng nghĩa”.

Ruộng bậc thang Pù Luông

Ruộng bậc thang Pù Luông

Nằm không xa Sầm Sơn, Sun Group cũng đang triển khai quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen tại huyện Quảng Xương với quy mô gần 100 ha nhằm khai thác và nâng tầm giá trị nguồn khoáng nóng tự nhiên. Dự án có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng này là một trong những dự án trọng điểm của Thanh Hóa theo lộ trình phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.

Không chỉ có dự án tỷ USD của Sun Group ở Sầm Sơn, các bãi tắm đẹp khác của Thanh Hóa cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Tại khu vực bãi biển Hải Tiến thuộc huyện Hoằng Hóa, Dự án Flamingo Hải Tiến (tổng mức đầu tư khoảng 3.350 tỷ đồng) do Công ty CP Flamingo Holding Group khởi công cuối năm 2021 đang dần hình thành, được kỳ vọng sẽ nâng tầm thương hiệu biển Hải Tiến. Còn tại Nghi Sơn, Khu du lịch sinh thái Tân Dân có quy mô 84,8 ha (tổng mức đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng) do Tập đoàn T&T đầu tư đang được triển khai. Trên địa bàn xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Tập đoàn BRG đã nhắm tới Dự án Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại và Dự án Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng (tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng).

Quảng trường biển Sầm Sơn về đêm. Ảnh: Trọng Báu

Quảng trường biển Sầm Sơn về đêm. Ảnh: Trọng Báu

Khai phá du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng

Bên cạnh những bãi tắm đẹp, Thanh Hóa còn sở hữu tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên như Pù Luông, Xuân Viên, Bến En và nhiều danh thắng, di tích lịch sử. Điển hình trong số đó là Vườn quốc gia Bến En thuộc các huyện Như Xuân và Như Thanh, cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam. Với tổng diện tích gần 15.000 ha, Vườn quốc gia Bến En không chỉ bao gồm quần thể núi, rừng, sông, hồ đa dạng mà còn có nhiều hang động nhũ đá lung linh, huyền ảo, là nơi cư trú của 1.460 loài động vật và 1.417 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, Vườn quốc gia Bến En đang trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đầu năm 2022, Sun Group đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép đầu tư “siêu dự án” Quần thể khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn quốc gia Bến En. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, Pù Luông (huyện Bá Thước) trở thành điểm đến “hot” của du khách trong nước và quốc tế. Là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 17.600 ha, sở hữu rừng rậm nguyên sinh kiểu kín nhiệt đới xanh theo mùa và những thửa ruộng bậc thang, Pù Luông được ví như “thiên đường nghỉ dưỡng” với những con người thân thiện của một vùng quê giàu truyền thống.

Năm 2022, huyện Bá Thước đón 82.646 lượt khách, bằng 122% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay (trong đó, khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt). Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bá Thước đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Hiện nay, loại hình homestay do người dân địa phương tự đầu tư hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ dân đầu tư phát triển khá sôi động, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Các nhà đầu tư đến với Bá Thước đánh giá cao tiềm năng du lịch của địa phương và khá hài lòng với môi trường đầu tư kinh doanh ở đây.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đạt 5.767.000 lượt, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu du lịch đạt 9.062 tỷ đồng, tăng 19%.

Hệ thống giao thông kết nối các mảnh ghép du lịch đa sắc màu của Thanh Hóa đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Theo đó, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (đã thông xe); cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn giúp du khách ở miền Bắc kết nối dễ dàng đến các khu du lịch phía Tây Thanh Hóa như Cẩm Thủy, Pù Luông, Vĩnh Lộc…; đường Vạn Thiện đi Bến En nhằm tăng cường khả năng kết nối tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với Vườn quốc gia Bến En; các dự án thành phần đường bộ ven biển kết nối các tỉnh, thành phố với các khu du lịch ven biển Sầm Sơn, Nghi Sơn… Bên cạnh đó, Cảng hàng không Thọ Xuân được tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025.

Anh Hoàng - du khách đến từ Hà Nội cho biết, thay vì phải mất 2,5 - 3 tiếng di chuyển đến Thanh Hóa thì khoảng thời gian này chỉ còn 2 tiếng kể từ khi cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 thông xe. Đặc biệt, tuyến đường này rất thuận tiện cho việc di chuyển đến các huyện phía Tây như Cẩm Thủy, Bá Thước... so với di chuyển bằng đường Hồ Chí Minh. “Di chuyển thuận tiện, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng, nên gia đình tôi chọn Sầm Sơn tắm biển và Pù Luông khám phá sinh thái cho hè năm nay”, anh Hoàng chia sẻ.

Với các dự án du lịch tầm cỡ, các công trình hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện và lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, Thanh Hóa đang dần “thay da đổi thịt” trên bản đồ du lịch.

Chuyên đề