Cầu Vĩnh Tuy hiện nay. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được Hà Nội dự kiến khởi động trong thời gian từ nay đến năm 2020. Ảnh: T.K |
Đường sắt đô thị “ngốn” quá nửa nguồn vốn khủng
Trong báo cáo quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT cùng công bố danh mục các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 cùng các công trình giao thông cấp bách chống ùn tắc cần triển khai ngay trong năm 2016-2017. Theo đó, trong vòng 4 năm từ 2016 - 2020, Hà Nội sẽ triển khai 65 dự án lớn nhỏ cùng tổng kinh phí 429.906 tỉ đồng. Trong đó, Bộ GTVT đầu tư 8 dự án cùng tổng kinh phí 56.918 tỉ đồng với nguồn vốn ODA và vốn đầu tư dạng PPP (đầu tư công tư kết hợp). UBND TP. Hà Nội chi tiền cho 57 dự án còn lại với tổng kinh phí 397.284 tỉ đồng trong đó có 10 dự án sử dụng vốn Nhà nước với kinh phí 23.651 tỉ đồng. Các dự án còn lại huy động vốn từ ODA và vốn đầu tư dạng PPP.
Loạt dự án trên được quy hoạch để tạo cho Hà Nội một hệ thống giao thông đường bộ lớn với 7 cầu, hầm vượt sông, 3 tuyến cao tốc, 6 trục đường hướng tâm, 4 trục chính đô thị cùng hệ thống đường vanh đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5 và 4. Hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống bến xe liên tỉnh cũng nằm trong quy hoạch này. Theo quy hoạch, loạt dự án ngốn tiền nhiều nhất là đường sắt đô thị với tổng số vốn được duyệt lên tới 214.523 tỉ đồng với 5 tuyến trong đó hiện mới chỉ có tuyến 2A (Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông) và đoạn Nhổn - ga Hà Nội thuộc tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) đang thi công.
Tuy nhiên, cả hai tuyến đường sắt đô thị này đều đang có vấn đề. Nếu tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông gặp vấn đề về chậm tiến độ cũng như thiếu vốn khi nợ hàng loạt nhà thầu, tuyến Nhổn - ga Hà Nội cũng đang có vướng mắc phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. So với 3 kế hoạch mới đang nằm trên giấy, đường sắt Cát Linh - Hà Đông thuộc dạng khiêm tốn nhất về vốn với 11.613 tỉ đồng và dự kiến hoàn tất trong năm 2016. Dù vậy, với thực trạng hiện nay, dự án này nhiều khả năng sẽ lại đội vốn và chậm tiến độ sau khi đã điều chỉnh vốn đầu tư lên gấp rưỡi và chậm tiến độ 2 năm.
Hơn 420.000 tỉ đồng liệu có đủ?
Dù có kế hoạch và danh mục khá chi tiết cho loạt 65 dự án bao gồm 7 dự án dự kiến “phải xong” trong năm 2016-2017, lãnh đạo Bộ GTVT và TP. Hà Nội đang phải đặt câu hỏi về việc triển khai thực tế loạt dự án này cũng như chuyện “lấy tiền ở đâu”. Trên thực tế, khá nhiều dự án hiện mới đang trong giai đoạn chuẩn bị, tìm kiếm nhà đầu tư cũng như việc huy động vốn được nhận định là rất khó khăn. Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết tới đây sẽ tập trung huy động nguồn lực phát triển giao thông, nhưng rất khó khăn, nguồn vốn ODA cũng khó. Bên cạnh đó, không ít dự án đang vướng vấn đề giải phóng mặt bằng và các dự án trong nội đô nhiều khi tiền GPMB còn lớn hơn tiền nhà tài trợ cho vay.
Một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng số tiền thực chi cho các dự án từ nay tới năm 2020 có thể đội hơn như câu chuyện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do vướng nhiều vấn đề trong quá trình triển khai từ thủ tục dự án tới GPMB. Trong quá trình triển khai, không ít dự án còn phải điều chỉnh do bất cập về tính đồng bộ. Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải trong cuộc họp hôm 7.3 nhận định tới nay vấn đề phát triển hạ tầng giao thông vẫn bị bóc ngắn cắn dài và cần phải tính toán lại với tầm nhìn xa hơn.