Dự cảm kinh tế thế giới năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 đã vẽ nên một bức tranh đa sắc và năng động của nền kinh tế toàn cầu, với dư âm của đại dịch, áp lực địa chính trị và nỗi lo lạm phát in đậm dấu ấn đối với các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ... Từ bối cảnh và giải pháp mỗi quốc gia ứng phó trong năm qua, nhiều tổ chức lớn dự đoán quỹ đạo phát triển của các nền kinh tế lớn trong năm mới.

Mỹ

Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu duy trì thị trường lao động mạnh mẽ trong khi kiểm soát lạm phát vẫn rất quan trọng. Ảnh Internet
Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu duy trì thị trường lao động mạnh mẽ trong khi kiểm soát lạm phát vẫn rất quan trọng. Ảnh Internet

Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế, nền kinh tế Mỹ cho thấy khả năng chống chịu đáng kinh ngạc trong năm 2023. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), GDP Mỹ năm 2023 ước tính tăng trưởng khoảng 2,5%, trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao và các điều kiện tín dụng thắt chắt.

Lạm phát tại Mỹ đã “hạ nhiệt” từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2023, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đóng cửa năm 2023 ở mức mức 3,4%. Lạm phát “xuống thang” đến mức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải tạm dừng các đợt tăng lãi suất quy mô lớn kể từ tháng 9/2023. Thậm chí, phần lớn các quan chức Fed tin rằng sẽ có tổng cộng 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Mặc dù còn có một số lo ngại như về chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng, khả năng gián đoạn thương mại do căng thẳng địa chính trị, kinh tế Mỹ trong năm 2024 trọng tâm chuyển sang duy trì sự ổn định kinh tế và giải quyết các thách thức dài hạn.

Theo đó, các mục tiêu chính bao gồm: duy trì thị trường lao động mạnh mẽ trong khi kiểm soát lạm phát vẫn rất quan trọng; cân bằng nhu cầu về mạng lưới an sinh xã hội với trách nhiệm tài chính để tăng trưởng kinh tế bền vững; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng - chìa khóa để nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo việc làm; chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm các cơ hội kinh tế công bằng.

Ngoài ra, trọng tâm gần đây của nước này đã chuyển sang các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. Nghiên cứu AI đang nhận được sự đầu tư đáng kể, với các ứng dụng nhắm vào chăm sóc sức khỏe, tài chính và logistics. Lĩnh vực năng lượng sạch đang bùng nổ với các sáng kiến như Đạo luật Giảm lạm phát nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Những khoản đầu tư chiến lược này giúp Mỹ có vị thế dẫn đầu về công nghệ trong dài hạn.

Trung Quốc

Tại báo cáo triển vọng kinh tế hàng năm, các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ổn định trong năm 2024. CAS đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng trưởng chậm lại, với tốc độ tăng trưởng 5% trong quý đầu tiên, trước khi tăng tốc nhanh hơn vào cuối năm.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản èo uột, nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm, niềm tin người tiêu dùng suy yếu và mức nợ cao. Báo cáo của CAS cho biết, tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2024 dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước - lần lượt là 3,7% và 1,9% - nhưng xuất khẩu giảm 0,3%.

Trong khi đó, WB cho rằng, tâm lý suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, trong khi những căng thẳng dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản sẽ kìm hãm hoạt động đầu tư. WB dự báo, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 4,5% trong năm 2024. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn ba thập kỷ, ngoài những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch (2020 và 2022).

Hội nghị Công tác kinh tế trung ương thường niên của Trung Quốc (CEWC) tháng 12/2023 đã truyền tải một thông điệp rõ ràng: tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Hội nghị phản ánh chiến lược nhiều mặt của Trung Quốc nhằm phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024. Trong đó có kế hoạch mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Báo cáo của CEWC nêu rõ rằng “cần thực hiện nỗ lực để kích thích tiêu dùng”, đồng thời mở rộng “đầu tư để tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau”. Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực tiêu dùng mới, bao gồm: tiêu dùng kỹ thuật số; tiêu dùng xanh; tiêu dùng liên quan đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp thiết thực. Trọng tâm là nuôi dưỡng các động lực mới cho ngoại thương và bảo đảm sự ổn định trong hoạt động tổng thể. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng có kế hoạch mở rộng thương mại trong các lĩnh vực như: sản phẩm trung gian; thương mại dịch vụ; thương mại kỹ thuật số; xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản èo uột, nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm, niềm tin người tiêu dùng suy yếu và mức nợ cao. Ảnh Internet

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản èo uột, nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm, niềm tin người tiêu dùng suy yếu và mức nợ cao. Ảnh Internet

Đặc biệt, giải quyết khủng hoảng thị trường bất động sản là thách thức lớn của Trung Quốc trong năm 2024. Lĩnh vực này đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ kể từ năm 2022. CEWC thừa nhận sự cần thiết phải bảo đảm phát triển ổn định thị trường bất động sản vào năm 2023, ủng hộ các biện pháp đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các nhà phát triển địa ốc, đồng thời khuyến khích tái cơ cấu và sáp nhập ngành để tạo ra một lĩnh vực bất động sản linh hoạt hơn. Việc nới lỏng chính sách gần đây được quan sát thấy ở một số thành phố của Trung Quốc là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy hướng đi mới được thực hiện trong lĩnh vực này. Việc giảm yêu cầu đặt cọc đối với người mua nhà, loại bỏ giới hạn giá để xác định “nhà thông thường” và giảm thuế đối với người bán nhà phản ánh nỗ lực chủ động của các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực theo đuổi một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm tăng công suất năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới, như một phần trong cam kết kiên quyết đạt được các mục tiêu khí hậu quan trọng: đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Đức

2023 là năm trì trệ đối với kinh tế Đức và những dấu hiệu cho năm 2024 cũng không mấy khả quan. Người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu do lạm phát và giá cả tăng. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu trì trệ đang tạo ra những áp lực cho các nhà xuất khẩu, khu vực vốn từng là động lực của nền kinh tế Đức. Ngoài ra, giá năng lượng không ổn định cũng khiến nhiều tập đoàn quốc tế tạm dừng kế hoạch đầu tư. Hoặc tệ hơn, những doanh nghiệp này đang xây dựng cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài như Mỹ hay Trung Quốc. Cuối cùng, quá trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu do Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck thúc đẩy đang tiêu tốn rất nhiều tiền.

Ngành công nghiệp ô tô, một trong những “viên ngọc quý” của Đức, cũng đang sẵn sàng cho những khó khăn trong năm nay. Ảnh Internet

Ngành công nghiệp ô tô, một trong những “viên ngọc quý” của Đức, cũng đang sẵn sàng cho những khó khăn trong năm nay. Ảnh Internet

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Đức sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm trong năm nay, củng cố vị thế của nước này là ví dụ nổi bật nhất về mức tăng trưởng yếu trong số các nước lớn ở châu Âu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán, Đức có thể phải chịu một đòn nặng nề từ “sự suy thoái của nền kinh tế thế giới”, do thương mại suy yếu và lãi suất cao hơn trên toàn thế giới lan sang năm 2024.

Do lạm phát cao kéo dài kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao và nhu cầu trì trệ, Đức đã trải qua thời kỳ suy thoái tương tự vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, và do đó, hầu hết các triển vọng kinh tế đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,6% trong năm 2024.

Ngành công nghiệp ô tô, một trong những “viên ngọc quý” của Đức, cũng đang sẵn sàng cho những khó khăn trong năm nay. Trong khi những hạn chế về ngân sách được cho là sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho các hộ gia đình và người tiêu dùng.

Giữa tháng 11/2023, Tòa án Hiến pháp Đức bác bỏ tái phân bổ 60 tỷ Euro (khoảng 65 tỷ USD) của chính phủ tồn đọng trong quỹ ứng phó Covid-19 để sử dụng cho mục tiêu khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế. Các kế hoạch của chính phủ Đức chủ yếu dựa vào việc sử dụng số tiền này trong những năm tới. Do đó, phán quyết của tòa án đã tạo ra lỗ hổng lớn trong ngân sách, gây ra bất ổn lớn trong giới doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngân sách năm 2024 bị cắt giảm đáng kể đã làm rấy lên lo ngại rằng việc chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu, ít trợ cấp hơn và giá năng lượng cao hơn có thể khiến nền kinh tế chậm lại hơn nữa và thậm chí khơi dậy lạm phát.

Nhật Bản

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP danh nghĩa dự kiến sẽ đạt 615.000 tỷ Yên trong năm tài khóa 2024. Ảnh Internet

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP danh nghĩa dự kiến sẽ đạt 615.000 tỷ Yên trong năm tài khóa 2024. Ảnh Internet

Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính, GDP danh nghĩa của nước này sẽ lần đầu tiên vượt mức 600.000 tỷ Yên (4.200 tỷ USD) trong năm tài khóa 2024 (bắt đầu từ ngày 1/4/2024), nhờ kỳ vọng tăng trưởng thu nhập sẽ vượt xa lạm phát.

Bên cạnh đó, lạm phát của Nhật Bản sẽ giảm xuống 2,5% trong năm tài khóa 2024, từ mức 3,0% trong tài khóa hiện nay. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 2,4% lên 3,8%, nhờ kế hoạch cắt giảm thuế tạm thời của chính phủ nước này.

Trước đó, cuối tháng 11/2023, Hạ viện Nhật Bản thông qua kế hoạch phát hành khoảng 8,9 nghìn tỷ Yên trái phiếu mới trong ngân sách bổ sung để tài trợ cho gói kinh tế bao gồm cắt giảm thuế thu nhập tạm thời, hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp, trợ cấp để giảm chi phí hóa đơn xăng dầu và các tiện ích. Chính phủ cũng phân bổ khoảng 2 nghìn tỷ Yên với mục đích hỗ trợ những nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chip, đánh dấu bước tiến mới nhất của Nhật Bản nhằm lấy lại vị thế trong lĩnh vực quan trọng này.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP danh nghĩa dự kiến sẽ đạt 597.000 tỷ Yên trong năm tài khóa hiện tại và có thể tăng lên 615.000 tỷ Yên trong năm tài khóa 2024.

Tại Báo cáo Sakura - báo cáo kinh tế các khu vực, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, nền kinh tế được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành du lịch và nhu cầu dịch vụ tăng cao. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa leo thang đang làm nảy sinh lo ngại về việc người tiêu dùng sẽ “thắt lưng buộc bụng”.

Ngoài sự tăng trưởng của nền kinh tế, một yếu tố quan trọng khác để BOJ quyết định chính sách tiền tệ đó là triển vọng tăng lương của các doanh nghiệp. BOJ lưu ý, đà tăng lương đang diễn ra nhanh hơn so với năm trước ở các khu vực kinh tế. Ngân hàng trung ương này cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng tăng lương trong đàm phán tăng lương vào mùa xuân.

Các thị trường hiện kỳ vọng, BOJ sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm trong năm 2024.

Ấn Độ

S&P Global Ratings kỳ vọng, Ấn Độ sẽ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm tới. Ảnh Internet

S&P Global Ratings kỳ vọng, Ấn Độ sẽ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm tới. Ảnh Internet

Văn phòng Thống kê quốc gia Ấn Độ (NSO) dự báo, mức tăng trưởng hàng năm trong năm tài chính 2023/2024 là 7,3%, mức cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên toàn cầu.

S&P Global Ratings kỳ vọng, Ấn Độ sẽ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm tới, đưa nước này đi đúng hướng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, vượt qua Nhật Bản và Đức.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ trình bày ngân sách tạm thời hàng năm vào ngày 1/2/2024 và dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhờ nguồn thu thuế tăng, đồng thời đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài chính từ 5,9% GDP trong năm tài chính hiện tại.

Chi tiêu của Chính phủ ước tính sẽ tăng khoảng 4% trong năm tài khóa 2023/2024 so với mức tăng 0,1% trong năm tài khóa 2022/2023; trong khi đầu tư tư nhân sẽ tăng 10,3%, thấp hơn mức tăng 11,4% của năm tài khóa trước. Tiêu dùng tư nhân, chiếm gần 58% GDP Ấn Độ, dự kiến tăng 4,4% trong năm tài khóa 2023/2024.

Trong lĩnh vực đầu tư, sức hấp dẫn của Ấn Độ vẫn tiếp tục tồn tại, mang lại cho các công ty toàn cầu quy mô lớn nhân sự có kỹ năng và công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, thu nhập, năng lực và hệ sinh thái để duy trì sự tăng trưởng ổn định trong tiêu thụ, sản xuất và đầu tư hạ tầng.

Các ngành chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ trong năm 2024 bao gồm: chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm; fintech; năng lượng tái tạo và công nghệ khí hậu; xe điện và ô tô; công nghệ thông tin và dịch vụ; bất động sản và hạ tầng; hàng tiêu dùng nhanh, đổi mới công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Các ngành này đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong năm 2023, khi chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được nới lỏng trong những năm gần đây.

Nền kinh tế số của Ấn Độ sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư khi các giải pháp dựa trên công nghệ đang được tìm kiếm để thay đổi cuộc sống của người dân, quản trị và hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ Ấn Độ dự kiến, nền kinh tế số sẽ chiếm hơn 20% GDP vào năm 2026.

Anh

Chính phủ Anh cam kết tăng lợi ích xã hội thêm 6,7%, tương đương tăng trung bình 470 Bảng cho 5,5 triệu hộ gia đình. Ảnh Interent

Chính phủ Anh cam kết tăng lợi ích xã hội thêm 6,7%, tương đương tăng trung bình 470 Bảng cho 5,5 triệu hộ gia đình. Ảnh Interent

Nền kinh tế Anh đã chậm lại trong những tháng cuối năm 2023, trong bối cảnh các hộ gia đình phải chịu áp lực liên tục từ chi phí sinh hoạt cao hơn. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cảnh báo, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế là 50%, bắt đầu vào khoảng thời gian cuộc tổng tuyển cử mùa xuân có thể được tổ chức. Do đó, BOE dự kiến mức tăng trưởng bằng 0 cho cả năm 2024. Trong khi đó, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) đưa ra dự báo về mức tăng trưởng năm 2024 là 0,7% (chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 1998 đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008).

Trong Tuyên bố Mùa thu cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã chia sẽ những kế hoạch kinh tế của chính phủ nước này trong năm 2024. Theo đó, ông Hunt cam kết tăng lợi ích xã hội thêm 6,7%, tương đương tăng trung bình 470 Bảng cho 5,5 triệu hộ gia đình. Bên cạnh đó, trợ cấp nhà ở địa phương sẽ tăng lên để cung cấp 800 Bảng cho 1,6 triệu hộ gia đình.

Chính phủ Anh đã cam kết đầu tư 500 triệu Bảng trong năm 2024 - 2025 để tài trợ thêm "trung tâm đổi mới" nhằm đưa quốc gia này trở thành "trung tâm về trí tuệ nhân tạo". Quyết định này đến sau "sự thành công của các trung tâm siêu tính toán ở Edinburgh và Bristol".

Ông Hunt nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, với việc thiết lập vĩnh viễn "khoản giảm thuế doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Anh". Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế 25% khi đầu tư vào công nghệ thông tin, máy móc và thiết bị.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Anh cũng nhấn mạnh vào chiến lược đầu tư trị giá 4,5 tỷ Bảng cho ngành sản xuất cho đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực chủ chốt như hàng không vũ trụ, khoa học về sức khỏe và công nghiệp xanh với mức phân bổ lần lượt là 975 triệu Bảng, 520 triệu Bảng và 960 triệu Bảng.

Chuyên đề