Dự báo làn sóng đầu tư mới vào điện gió

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng như những dự kiến điều chỉnh cơ cấu nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII theo hướng tăng cường năng lượng tái tạo, nhiều chuyên gia nhận định, sẽ có một làn sóng thứ hai đầu tư vào năng lượng gió tại Việt Nam.
Dự kiến tới năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 15 - 20% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Dự kiến tới năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 15 - 20% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Bứt phá ngoạn mục trong “bão dịch”

Theo ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), 2021 là một năm đáng nhớ đối với ngành năng lượng gió của Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2021, tổng công suất lắp đặt mới với điện gió trên bờ đã có mốc phát triển mới với gần 4 GW. “Con số này cho thấy Chính phủ Việt Nam ngày càng có những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng gió”, ông Ben Backwell nhìn nhận.

Bà Nguyễn Phương Mai, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, với các cơ chế ban hành vừa qua, điện gió Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là sau Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg điều chỉnh cơ chế giá FIT từ 7,8cent/kWh lên 8,5cent/KWh.

Theo bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á thuộc GWEC, bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19, cuối tháng 10/2021, công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam là 3,98GW, trở thành nước dẫn đầu Đông Nam Á. Dự kiến, đến cuối năm 2021, con số này sẽ là khoảng hơn 4 GW. “Trong năm nay, Việt Nam sẽ thuộc top 10 toàn cầu, đứng thứ 2 khu vực châu Á Thái Bình Dương về công suất lắp đặt mới. Đây là thời điểm lịch sử của Việt Nam”, bà Liming Qiao nhấn mạnh.

Đánh giá cao những kết quả này, song nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam mới chỉ khai thác được bề mặt, trên thực tế, Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển năng lượng gió.

Nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn

Bà Nguyễn Phương Mai cho biết, Việt Nam đang xem xét chuyển dịch toàn diện nguồn năng lượng theo hướng đa dạng nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, hướng tới mục tiêu cải thiện an ninh cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. “Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát để trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với những ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa năng lượng hóa thạch, giảm tác động tới môi trường. Dự kiến tới năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 15 - 20% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp. Trong đó, năng lượng điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ lệ lớn”, bà Mai thông tin.

Cũng theo bà Mai, Việt Nam là quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính khá lớn. Với tình hình này, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, điện gió, bao gồm cả điện gió trên bờ và ngoài khơi được xem là những trụ cột quan trọng của hệ thống năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Ông Ben Backwell nhận định, tất cả những chuyển động này đang tạo nên hiệu ứng lạc quan đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Dự báo sẽ có một làn sóng thứ 2 đầu tư vào điện gió Việt Nam, cả điện gió trên bờ cũng như điện gió ngoài khơi.

Song để điện gió Việt Nam hấp dẫn đầu tư, không ít ý kiến cho rằng, còn nhiều việc phải làm. Theo ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình, để phát triển điện gió ngoài khơi, cần có quy hoạch cũng như chính sách phù hợp.

Ông Dong Yinming, Tổng giám đốc Goldwind khu vực châu Á cho rằng, thời gian tới cần cơ chế hỗ trợ cho điện gió và hợp đồng mua bán điện (PPA) để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. “Với dự án trang trại điện gió lớn hơn 100 MW, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… bởi đây là những điều kiện kiện hấp dẫn các nhà đầu tư điện gió vào Việt Nam”, ông Dong Yinming đề xuất.

Về phía Bộ Công Thương, bà Mai cho hay, Bộ đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu các chính sách phát triển điện gió dài hạn nói riêng, điện tái tạo nói chung theo hướng tận dụng hết những tiềm năng lợi thế mà năng lượng tái tạo mang lại. Từ đó hạn chế tối đa những rủi ro tiềm ẩn do phát triển thiếu đồng bộ giữa các nguồn năng lượng biến đổi cùng với hệ thống nguồn điện truyền thống khác.

Chuyên đề