Dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH: Những “ngôi sao” về đích đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu tổng hợp của Bộ Y tế tính đến ngày 27/6/2024, tỷ lệ giải ngân trung bình của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dành cho các dự án đầu tư lĩnh vực y tế do địa phương quản lý đạt 46,78%. Trong khi nhiều địa phương chật vật để theo kịp tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sẽ hết hạn trong năm nay, thì một số địa phương, dự án đã về đích, trở thành những “ngôi sao” trong giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Tiền Giang có 2 dự án lĩnh vực y tế đã hoàn thành giải ngân 170 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: NC st
Tiền Giang có 2 dự án lĩnh vực y tế đã hoàn thành giải ngân 170 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: NC st

Tiền Giang là một trong ba địa phương về đích đầu tiên. Tỉnh có 2 dự án sử dụng 170 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Chương trình.

Trong đó, Dự án Đầu tư mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) có tổng mức đầu tư 173,038 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của Chương trình là 60 tỷ đồng). Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình (137,89 tỷ đồng) do Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa đảm nhiệm được khởi công tháng 2/2023. Đến nay, Dự án đã giải ngân 154,91 tỷ đồng (đạt 99,11%). Trong đó, vốn Chương trình đã hoàn thành 100%. Đối với phần vốn từ ngân sách Tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tỉnh đang lập thủ tục bổ sung hạng mục trang thiết bị phòng sạch vi sinh theo đề xuất của Hội đồng thẩm định và đơn vị sử dụng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Dự án Đầu tư cải tạo, mở rộng, xây mới 3 trung tâm y tế tuyến huyện có tổng mức đầu tư 212,112 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 Trung tâm Y tế thị xã Cai Lậy (127 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ 50 tỷ đồng); Dự án thành phần 2 Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo (43,785 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ 30 tỷ đồng); Dự án thành phần 3 Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây (44,487 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ 30 tỷ đồng). Các dự án thành phần này được khởi công ngày 13/9/2023 và hoàn thành ngày 10/5/2024, đã giải ngân toàn bộ nguồn vốn Chương trình và ngân sách Tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, các dự án đã góp phần hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh…

Đồng Tháp là địa phương thứ hai hoàn tất giải ngân vốn hỗ trợ của Chương trình dành cho Dự án Đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 2 trung tâm y tế tuyến huyện với tổng mức đầu tư 171,5 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của Chương trình là 135,5 tỷ đồng). Riêng Dự án Đầu tư xây dựng và nâng cấp 3 trạm y tế tuyến xã thuộc tỉnh Đồng Tháp với tổng mức đầu tư 16,439 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của Chương trình là 14 tỷ đồng), Đồng Tháp đã tạm ứng vốn ngân sách của Tỉnh để hoàn thành Dự án trước thời hạn.

Trong 3 địa phương về đích trước thời hạn, Bình Định đã giải ngân 100% vốn hỗ trợ của Chương trình cho Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp 5 trung tâm y tế tuyến huyện. Dự án được HĐND Tỉnh thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2022 và UBND Tỉnh phê duyệt vào ngày 22/2/2023 với tổng vốn đầu tư là 367,5 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Chương trình là 166 tỷ đồng. Hiện khối lượng thực hiện toàn Dự án đạt trên 70%, phần còn lại chủ yếu là thiết bị và khâu hoàn thiện. Dự kiến phần vốn từ ngân sách Tỉnh cũng sẽ hoàn thành giải ngân trong năm nay.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trương Khoa - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định cho biết, một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ Dự án là công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện kỹ lưỡng. Ngay từ tháng 9/2022, những gói thầu đầu tiên phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư đã được triển khai; đồng thời, các thủ tục như đánh giá tác động môi trường liên quan đến xử lý nước thải, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… được thực hiện. Thời gian chuẩn bị mất gần 1 năm. Trong quá trình triển khai, Dự án có sự điều chỉnh kế hoạch vốn giữa ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình và ngân sách Tỉnh cho phù hợp với thực tế. Do có kết quả triển khai tốt nên Dự án được ưu tiên điều chuyển vốn.

Bên cạnh đó, theo đại diện Chủ đầu tư, đề xuất của cơ quan thẩm định vốn về việc gom 5 gói thầu xây lắp (tương ứng với 5 trung tâm y tế) vào 1 gói thầu đã góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai. Gói thầu thu hút nhiều nhà thầu tham dự và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO đã được lựa chọn (giá trúng thầu 345,578 tỷ đồng). Ngay sau khi hợp đồng thi công được ký kết (ngày 29/8/2023), Nhà thầu đã tập trung nguồn lực, nhân công, máy móc làm ngày làm đêm, tăng ca, đặt mục tiêu hoàn thành thi công sớm hơn 3 tháng so với thời hạn đặt ra (tháng 2/2025).

Tính đến ngày 27/6/2024, ngoài 3 địa phương về đích sớm, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao vốn hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như: Đắk Lắk (99,7%), Cà Mau (99%), Hải Phòng (98%), Ninh Thuận (98%), Nam Định (95%), Trà Vinh (93,93%), Lào Cai (90%)…

Chuyên đề