Hướng tuyến của Vành đai 4 TP.HCM |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các địa phương liên quan về dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 vào chiều ngày 12/1.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (địa bàn thị xã Phú Mỹ), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM.
Dự án được duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay tiến độ rất chậm, sau nhiều năm đầu tư, Dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 21 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hiện Thủ tướng đã phân chia Dự án đường Vành đai 4 thành 5 đoạn tuyến theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố, và giao cho 5 địa phương trực tiếp huy động vốn đầu tư.
Cụ thể, giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km; Đồng Nai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km; Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.
UBND TP.HCM thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài khoảng 71km.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến trong năm nay, các địa phương sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 để trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023.
Dự án Vành đai 4 phấn đấu khởi công dịp 30/4/2025. Công trình cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật cuối năm 2027, khai thác năm 2028.