Dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội: Chậm phê duyệt đầu tư nhiều dự án thành phần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM và Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng có dấu hiệu chậm tiến độ. Nếu không kịp thời giải tỏa các “nút thắt”, tiến độ thực hiện và hoàn thành 2 đại dự án này có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4 Hà Nội phải hoàn thành trước ngày 30/1/2023. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Theo kế hoạch, việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4 Hà Nội phải hoàn thành trước ngày 30/1/2023. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Vành đai 4 Hà Nội chậm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ đã đưa ra một số mốc tiến độ Dự án phải đạt như: Trước ngày 31/3/2023 phải cơ bản hoàn thành việc lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trước ngày 31/10/2022; việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần hoàn thành trước ngày 30/1/2023; bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023 và khởi công trước ngày 30/6/2023.

Ba địa phương có Dự án đi qua là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh hiện chưa phê duyệt các dự án thành phần đầu tư đường song hành và dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nguyên nhân là chậm triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn, chậm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố đã phối hợp với UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh xây dựng, ban hành kế hoạch phối hợp giữa các địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo điều hành, đôn đốc thực hiện Dự án và đã tổ chức lễ phát động và ký kết giao ước thi đua GPMB giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện trực thuộc. Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn bộ đoạn tuyến dài 58,2 km trên địa bàn, hiện đang nghiên cứu điều chỉnh phần chỉ giới nút 4 giao Vành đai 4 với Quốc lộ 6 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh). Tuy nhiên, Thành phố mới hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thành phần 1.1, 2.1 (GPMB) và 3 (dự án PPP), đang chờ Bộ TN&MT thẩm định. Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần 1.1, 2.1 và 3 đang được Sở GTVT Hà Nội thẩm định.

Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án, UBND TP. Hà Nội đề xuất, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao các địa phương trực thuộc TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phê duyệt dự án và triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn Dự án Vành đai 4 và được tổng hợp vào các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo Nghị quyết số 106/NQ-CP và cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư.

Vành đai 3 TP.HCM chậm phê duyệt dự án, thiếu vật liệu

Bộ GTVT cho biết, Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, có kế hoạch đầu tư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Dự án đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Theo kế hoạch, việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải hoàn thành trước ngày 15/11/2022, phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/11/2022. Tuy nhiên, đến nay, Dự án thành phần 3 và Dự án thành phần 4 của đại dự án này qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường, nên chưa thể phê duyệt đầu tư 2 dự án thành phần này.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tháng 8/2022, UBND Tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án thành phần 3 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án thành phần 3 chưa được phê duyệt nên chưa triển khai công tác lập thiết kế kỹ thuật.

Theo Bộ GTVT, việc chậm phê duyệt đầu tư Dự án thành phần 3 và Dự án thành phần 4 là do chậm trễ trong triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, các tỉnh Long An, Bình Dương và TP.HCM (3 địa phương khác có Dự án đi qua) đã phê duyệt một số dự án thành phần liên quan.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cho biết, theo kết quả khảo sát và làm việc với các điạ phương trong vùng, nguồn vật liệu hiện không đủ cung cấp theo tiến độ thực hiện Dự án. UBND TP.HCM kiến nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu; hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; xem xét, hướng dẫn về nội dung xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản để Tỉnh chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho Dự án. Tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để có cơ sở phê duyệt Dự án thành phần 5; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng (cho phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn Tỉnh).

Chuyên đề