Dự án sử dụng đất thiếu cạnh tranh, địa phương nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực tế phần lớn các dự án đầu tư có sử dụng đất thời gian qua mặc dù được mời thầu rộng rãi nhưng cuối cùng vẫn chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm, nhiều dự án trong số đó phải lựa chọn nhà đầu tư thông qua chỉ định thầu, một số địa phương đã chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này.
Các dự án đầu tư có sử dụng đất không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm do chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án đầu tư có sử dụng đất không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm do chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả khảo sát của Báo Đấu thầu về các dự án sử dụng đất thời gian qua cũng như báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu năm 2020 của nhiều địa phương cho thấy, số lượng dự án đầu tư sử dụng đất có xu hướng gia tăng theo thời gian, đa số là dự án bất động sản.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2020, trên địa bàn có 3 dự án đầu tư có sử dụng đất thì cả 3 dự án đều chỉ định nhà đầu tư thực hiện. Đây cũng là tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương khác.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, hầu hết các dự án sau khi công bố danh mục dự án chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm, mặc dù địa phương đã gia hạn thời gian đăng tải thông tin dự án theo quy định. Kết quả này dẫn đến nhiều dự án phải chỉ định thầu.

Sở này lý giải, các dự án đầu tư có sử dụng đất không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm là do các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, sự hấp dẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện của thị trường. Trong khi đó, điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc huy động tài chính để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản nhiều biến động, chính sách của Nhà nước chưa bảo đảm tính ổn định, dễ gặp rủi ro trong quá trình thực hiện dự án nên nhiều nhà đầu tư không dám “đeo đuổi” các dự án sử dụng đất.

Các nhà đầu tư có tâm lý e ngại “nhảy” vào dự án sử dụng đất do một nhà đầu tư khác đề xuất. Tâm lý này xuất phát từ sự lo ngại nhà đầu tư đến sau sẽ kém lợi thế cạnh tranh, ít được tạo thuận lợi ở dự án vốn đã dành cho nhà đầu tư khác.

Còn theo UBND tỉnh Sơn La, một số hồ sơ mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất không đưa ra phương án tài chính cụ thể nên chưa đánh giá được rõ ràng hiệu quả đầu tư của dự án. Đây là nguyên nhân làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và hiểu biết về công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất của cán bộ làm công tác đấu thầu còn hạn chế; biểu mẫu chi tiết đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư của các dự án sử dụng đất chưa được cụ thể hóa… Đây cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư gặp khó khăn, kém “mặn mà”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ một sở xây dựng ở địa phương cho biết, dự án đầu tư có sử dụng đất chưa phong phú, chủ yếu là dự án nhà ở thương mại (do nhu cầu nhà ở tăng nhanh trong những năm gần đây). Nhiều dự án được phê duyệt chủ yếu dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư, chưa phù hợp với quy hoạch của địa phương nên trong quá trình thực hiện phải cập nhật, điều chỉnh, phát sinh nhiều vướng mắc liên quan. Các địa phương thì lúng túng trong việc bố trí, dành quỹ đất và đề xuất danh mục dự án có sử dụng đất có giá trị thương mại cao. Các nhà đầu tư có tâm lý e ngại “nhảy” vào dự án do một nhà đầu tư khác “thiết kế”. Tâm lý này xuất phát từ sự lo ngại nhà đầu tư đến sau sẽ kém lợi thế cạnh tranh, ít được tạo thuận lợi ở dự án vốn đã dành cho nhà đầu tư khác. Vì thế, dù dự án được mời thầu rộng rãi, các nhà đầu tư cũng không mạnh dạn tham gia.

Chuyên đề