Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Tập trung tháo gỡ một số “điểm nghẽn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024 là năm bản lề quan trọng để Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng tiến tới mốc phát điện vào năm 2025. Ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 1 (EVNPMB1) cho biết, về cơ bản Dự án đáp ứng tiến độ, song vẫn có một số “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ để bảo đảm tiến độ.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, quy mô công suất 480 MW, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Ảnh: Thái Bá
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, quy mô công suất 480 MW, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Ảnh: Thái Bá

Tiến độ Dự án năm 2024 rất căng thẳng

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, quy mô công suất 480 MW, được khởi công từ tháng 1/2021. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, giao EVNPMB1 quản lý dự án. Dự kiến tổ máy 1 phát điện tháng 6/2025, tổ máy 2 phát điện tháng 7/2025, hoàn thành công trình vào tháng 8/2025.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Phương Nam cho biết, các hạng mục Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang được các đơn vị tập trung thi công với quyết tâm cao nhất, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Nhiều hạng mục xây dựng đáp ứng tiến độ đề ra như: thi công cửa lấy nước đã hoàn thành đào hố móng, đủ điều kiện đổ bê tông; bàn giao mặt bằng và đang triển khai thi công giếng đứng số 1 và số 2, gia cố khoan neo, đổ bê tông ốp mái cơ; bảo đảm tiến độ hoàn thành đổ bê tông kết cấu Nhà máy…

2024 là năm bản lề quan trọng với nhiều mục tiêu lớn trong công tác thi công. Đơn cử, đối với hạng mục cửa lấy nước, dự kiến hoàn thành kết cấu bê tông cửa lấy nước đến cao độ 90 m vào tháng 7/2024, cao độ 112,5 m vào tháng 12. Với hạng mục giếng đứng, cuối tháng 8/2024 phải hoàn thành thi công bê tông (2 giếng). Đối với hạng mục Nhà máy, hoàn thành công tác gia cố trong tháng 4; bàn giao ray để lắp cẩu trục gian lắp ráp trong tháng 7; hoàn thành lắp đặt đường ống đoạn tiếp giáp buồng xoắn U1 trong tháng 9...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVNPMB1, việc thực hiện Dự án đang gặp một số khó khăn do địa chất thi công phức tạp khiến công tác đào hầm dẫn số 1 chậm hơn kế hoạch khoảng 2 - 3 tháng, nhà thầu phải vừa làm vừa gia cố để bảo đảm an toàn.

Do vấn đề địa chất nên trong quá trình thi công xảy ra sạt trượt, nhà thầu phải dừng thi công gần 1 năm để xử lý, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí…

Ngoài vấn đề địa chất phức tạp, nhà thầu thi công còn đang gặp những khó khăn do giá vật tư, thiết bị cũng như nhân công đã tăng mạnh so với thời điểm ký kết hợp đồng.

Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu đứng đầu Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng 47 thực hiện Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng (3.071,509 tỷ đồng) cho biết, Gói thầu số 1XL-HB được tổ chức lựa chọn nhà thầu từ những năm 2020, thời điểm đó giá cả không có nhiều biến động. Vì thế, mặc dù thời gian thi công dài nhưng hợp đồng vẫn theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, sau khi triển khai thi công được một thời gian ngắn thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, xung đột Nga - Uckaine xảy ra, chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy... Những yếu tố này đã khiến giá nguyên vật liệu cũng như giá xăng dầu, nhân công biến động tăng mạnh, gây nhiều khó khăn cho nhà thầu xây lắp.

Tập trung gỡ khó

Tại cuộc kiểm tra công trường và họp triển khai kế hoạch quý I/2024 diễn ra mới đây, lãnh đạo EVN chỉ đạo EVNPMB1 cùng các bên liên quan phải kiên quyết, rốt ráo dồn sức cho Dự án, tập trung điều hành công trường, đốc thúc triển khai công việc theo kế hoạch năm. Lãnh đạo EVN yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tổ chức thi công 3 ca liên tục, nhất là những ngày sau Tết Nguyên đán phải bảo đảm tuyệt đối kỷ luật làm việc, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Để tăng tốc tiến độ đào hầm dẫn số 1, ông Đào Trọng Sáng, Phó Ban EVNPMB1 phụ trách Dự án cho biết, Ban thường xuyên làm việc với nhà thầu thi công xây lắp và đơn vị tư vấn, tập trung đôn đốc, giám sát thi công. Tư vấn thiết kế phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra các phương án xử lý, đặc biệt là các vị trí địa chất phức tạp để bảo đảm công tác thi công an toàn, đáp ứng yêu cầu tiến độ. “Hiện nay, công tác thi công đào vòm hầm số 1 còn không nhiều, nhưng phần này lại nằm trong khu vực địa chất xấu buộc phải dựng vì thép, những đoạn đã thi công thì phải gia cố để bảo đảm an toàn...”, ông Sáng thông tin.

Đại diện Liên danh thực hiện Gói thầu số 1XL-HB cho biết, nhà thầu đang tập trung cao độ để thi công công trình sau khi đã tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán vừa qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mong mỏi, cấp có thẩm quyền có giải pháp gỡ khó cho các nhà thầu thực hiện hợp đồng đơn giá cố định, trọn gói bị ảnh hưởng bởi giá cả biến động tăng cao để họ phần nào giảm bớt áp lực, có thêm động lực “chạy đua” tiến độ đưa Dự án về đích như kế hoạch.

Chuyên đề