Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 1, Đắk Lắk: Dấu hỏi về trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 9 tháng kể từ thời điểm hoàn tất trao hợp đồng, 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00, tỉnh Đắk Lắk (tổng mức đầu tư 1.053 tỷ đồng) vẫn chưa dứt kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong khi kiến nghị còn đó thì Gói thầu đã được triển khai thi công, với khối lượng thực hiện lên tới hàng chục tỷ đồng.
2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00, tỉnh Đắk Lắk đang được thi công. Ảnh minh họa: NC st
2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00, tỉnh Đắk Lắk đang được thi công. Ảnh minh họa: NC st

Liên quan đến 2 gói thầu trên, Báo Đấu thầu đã có bài viết “Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1, Đắk Lắk: “Cửa hẹp” cho nhà thầu ngoại tỉnh” (số ra ngày 5/1/2023). Theo đó, Gói thầu số 02 Thi công xây dựng đoạn từ Km0+00 - Km29+00 được trao cho Liên danh Công ty TNHH An Nguyên - Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 - Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam (giá trúng thầu 515,68 tỷ đồng). Gói thầu số 03 Thi công xây dựng đoạn từ Km29+00 - Km49+00, nhà thầu được trao cho Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn - Công ty TNHH Xây dựng số 6 Kon Tum - Công ty TNHH Xây dựng Phú Thịnh (giá trúng thầu 340,204 tỷ đồng). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk là Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Cùng tham dự 2 gói thầu, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng bị loại tại bước đánh giá về kỹ thuật bởi các yêu cầu về nguồn cung vật liệu. Cụ thể, đối với vật liệu bê tông xi măng, Nhà thầu đề xuất xây dựng trạm trộn riêng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, Bên mời thầu được biết, trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), ngày 15/12/2022, UBND huyện Buôn Đôn đã có văn bản không chấp thuận cho Nhà thầu lắp dựng trạm bê tông nhựa tại Km12+00 Tỉnh lộ 1. Qua đó, Tổ chuyên gia đánh giá Nhà thầu không có phương án đầu tư trạm trộn bê tông xi măng, chưa có vị trí sử dụng đất, kế hoạch bố trí vốn, cũng như trình tự xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường đối với thiết bị này.

Không đồng thuận với đánh giá nêu trên, Tổng công ty 319 đã có văn bản gửi Chủ đầu tư, cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ngày 19/5/2023, Hội đồng tư vấn (HĐTV) giải quyết kiến nghị thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk có báo cáo về việc xử lý kiến nghị tại 2 gói thầu trên. Theo đó, đối chiếu hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) của Nhà thầu: có sở hữu thiết bị trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 120T/h; có các hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật tư, vật liệu; có đề xuất dự kiến xây dựng trạm bê tông nhựa tại Km12+000 bên trái tuyến; có bản vẽ sơ họa thể hiện vị trí của trạm trộn đến chân công trình, HĐTV nhận định, Nhà thầu đã đáp ứng nội dung yêu cầu về kỹ thuật quy định trong HSMT.

HĐTV nhận định, Tổ chuyên gia không báo cáo Chủ đầu tư để yêu cầu Nhà thầu làm rõ nội dung này, mà ngay lập tức kết luận là đạt hay không đạt là chưa làm hết trách nhiệm của Tổ chuyên gia trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), không tuân thủ quy định tại Điều 75 Luật Đấu thầu, nội dung quy định về làm rõ HSDT tại HSMT và quy định tại Điều 29 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

HĐTV đánh giá, việc HSMT không có nội dung yêu cầu nhà thầu phải “có phương án đầu tư trạm trộn, có vị trí sử dụng đất, kế hoạch bố trí vốn cũng như trình tự xin phép xây dựng, đánh giá môi trường xây dựng trạm mới”, nhưng Tổ chuyên gia lại đánh giá nội dung này là không phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 76 Luật Đấu thầu và Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Trên cơ sở đánh giá, 10/10 thành viên HĐTV thống nhất cho rằng, kiến nghị của Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng là có cơ sở. Tổ chuyên gia, Bên mời thầu chưa làm hết trách nhiệm, không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu. HĐTV đề xuất tổ chức đánh giá lại HSĐXKT Gói thầu số 02 và Gói thầu số 03 của Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng.

Ngày 30/5/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn chỉ đạo giao Chủ đầu tư đánh giá lại HSĐXKT của Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, báo cáo kết quả về UBND Tỉnh để theo dõi, giám sát.

Trong công văn báo cáo UBND Tỉnh ngày 22/8/2023, Chủ đầu tư cho biết, do HSĐXKT Gói thầu số 02 và Gói thầu số 03 đã hết hiệu lực vào ngày 11/5/2023, nên việc đánh giá lại HSĐXKT không còn phù hợp. Mặt khác, theo Chủ đầu tư, HSĐXKT của Nhà thầu có các sai khác và bỏ sót nội dung cơ bản, nếu được chấp nhận sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi, chất lượng công trình, ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác có hồ sơ đáp ứng. Do vậy, Chủ đầu tư không tiến hành đánh giá lại nội dung HSĐXKT của Nhà thầu.

Trước tình huống phát sinh, ngày 11/9/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có công văn yêu cầu Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh, đồng thời giao Sở KH&ĐT theo dõi, đôn đốc Chủ đầu tư và tham mưu UBND Tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm.

Theo quy định tại Luật Đấu thầu 2013, trường hợp nhà thầu có kiến nghị, chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp nhà thầu gửi văn bản đề nghị HĐTV giải quyết kiến nghị, Hội đồng cần có văn bản trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.

Liên quan đến kiến nghị dai dẳng tại 2 gói thầu trên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, Chủ đầu tư, HĐTV cần rà soát lại quy trình, thủ tục giải quyết kiến nghị của Nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu. Nếu kiến nghị của Nhà thầu được gửi đúng quy trình, trong thời hạn quy định thì cần xác định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, HĐTV trong trường hợp để chậm giải quyết kiến nghị, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhà thầu kiến nghị.

Chuyên đề