Ảnh: Trung Chánh |
Khởi công rồi đợi mặt bằng
Dự án có 2 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, Gói thầu CĐT-XL01 Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít (bao gồm đảm bảo an toàn giao thông) có giá trị hợp đồng 792,066 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Trường Thành đảm nhận thi công. Gói thầu được ký hợp đồng vào ngày 8/12/2023, thời gian thực hiện hợp đồng 540 ngày.
Theo đại diện Liên danh, tiến độ thi công của nhà thầu đang bị ảnh hưởng do thiếu mặt bằng. Cụ thể, hạng mục xây dựng cầu Mộc Hóa đã khởi công ngày 11/3/2024, đơn vị thi công đã triển khai thiết bị nhân lực, xây dựng trạm trộn, bảo đảm giao thông và đang thực hiện thi công cọc khoan nhồi các trụ cầu trên phạm vi một nửa cầu phía Bình Hiệp; phần còn lại chưa được bàn giao mặt bằng.
Hạng mục xây dựng cầu Mỏ Cày khởi công xây dựng ngày 19/3/2024, đơn vị thi công đã triển khai thiết bị, nhân lực, bảo đảm giao thông và đang thực hiện thi công cọc khoan nhồi 2 trụ cầu dưới nước. Tại hạng mục này, toàn bộ khối lượng trên cạn đều chưa được bàn giao mặt bằng.
Đối với việc tháo dỡ cầu Măng Thít (thực hiện từ đầu tháng 2/2024), nhà thầu đã triển khai thiết bị, nhân lực, bảo đảm giao thông, hoàn thành công tác tháo dỡ lan, lề bộ hành, đào bóc bê tông nhựa và bê tông bản mặt cầu, chuẩn bị tháo dỡ hệ thống dầm thép bàn giao cho đơn vị quản lý. Các cầu Hồng Ngự, Sa Đéc và Giồng Găng chưa triển khai thi công do mặt bằng chưa được bàn giao.
Gói thầu CĐT-XL02 Xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội (bao gồm đảm bảo an toàn giao thông) có giá trị hợp đồng là 443,789 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP 873 - Xây dựng công trình giao thông - Công ty CP Đại Thiên Trường đảm nhận. Tuy nhiên, Gói thầu chưa thể triển khai thi công do mặt bằng chưa được bàn giao.
Nhiều khó khăn vượt tầm
Theo chia sẻ của ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Dự án có phạm vi thi công rộng, trải qua nhiều địa phương, phân cấp công tác giải phóng mặt bằng cho từng địa phương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai của các địa phương không đồng đều, nhà thầu ở thế bị động. Cụ thể, đến nay, mới có các tỉnh Bến Tre, Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ hoàn thành công tác thực hiện đo đạc, kiểm đếm tại hiện trường. Tỉnh Đồng Tháp mới hoàn thành đối với cầu Hồng Ngự; cầu Giồng Găng và Sa Đéc đang thực hiện.
Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) có tổng mức đầu tư 2.155 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Địa điểm thực hiện tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và Kiên Giang.
Một khó khăn lớn nữa được các nhà thầu phản ánh là công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Các nhà thầu cho biết, đối với các cầu mới xây dựng trùng tim tại vị trí cầu cũ (Hồng Ngự, Sa Đéc, Giồng Găng, Ô Môn) và cầu Mỏ Cày: toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trên cầu cũ và trong phạm vi giải phóng mặt bằng chưa được di dời. “Hạ tầng kỹ thuật cần di dời đối với các công trình này rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Dự án vướng mắc mặt bằng phần lớn trên cạn, hạ tầng kỹ thuật sẽ khiến nhà thầu khó khăn trong việc huy động thiết bị, xây dựng kế hoạch triển khai thi công”, đại diện Nhà thầu thi công Gói thầu CĐT-XL02 chia sẻ.
Theo đại diện Liên danh Đạt Phương - Biển Đông - Trường Thành, nguồn cát cấp cho công trình cũng là một khó khăn lớn. Riêng Gói thầu CĐT-XL01 cần huy động hơn 50.000 m3 cát. Trong khi đó, nguồn cát xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang rất khan hiếm, giá tăng cao. “Tại các công trình có phạm vi thi công dàn trải qua nhiều địa phương, việc huy động nguồn cát là bài toán khó. Thủ tục để nhà thầu tiếp cận, khai thác mỏ mất nhiều thời gian. Do đó, cần hỗ trợ thủ tục, cắt giảm thời gian, tạo điều kiện để nhà thầu thuận lợi tiếp cận mỏ nhanh chóng, bảo đảm thi công bù tiến độ”, Liên danh nhà thầu đề xuất.