Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam: Chậm tiến độ, tăng chi phí, đề xuất điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời hạn 30/6/2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng mà Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm 2021 - 2025 tỉnh Quảng Nam ấn định cho các địa phương có Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đi qua đã không thành hiện thực. Dự án không những chậm tiến độ, mà còn phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là chi phí đền bù, GPMB tăng vọt. Mục tiêu về đích tháng 12/2025 rất mong manh.
Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng. Ảnh: Trịnh Dũng
Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng. Ảnh: Trịnh Dũng

Dự án có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công Gói thầu Xây lắp trị giá 516,07 tỷ đồng là Tổng công ty Thăng Long, thời hạn hợp đồng 870 ngày (từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2025).

Theo ông Ngô Sỹ Danh, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Nhà thầu Thăng Long, Dự án có chiều dài tuyến 31,5 km qua các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My. Hiện mặt bằng dài 12 km đã được bàn giao cho Chủ đầu tư nhưng đứt gãy, gián đoạn nên Nhà thầu chủ yếu thi công nền và cống thoát nước ngang. Trong cuộc kiểm tra vào cuối tháng 6/2024, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, tiến độ đầu tư Dự án chậm nên yêu cầu Chủ đầu tư và các địa phương phối hợp GPMB để có mặt bằng đến đâu thi công đến đó cho kịp tiến độ.

“Hiện nhà thầu bố trí 4 mũi thi công đường, 1 mũi thi công cầu nhưng mặt bằng rời rạc, vướng đường dây điện, cáp quang. Đến tháng 9/2024, theo kế hoạch, 6/12km đã được bàn giao mặt bằng thảm bê tông nhựa”, Nhà thầu Thăng Long cho biết.

Theo báo cáo của Chủ đầu tư, tổng khối lượng thi công của Gói thầu Xây lắp mới đạt khoảng 91,58/516,07 tỷ đồng (tương ứng 17,74% giá trị hợp đồng), trong khi thời hạn thực hiện Dự án theo hợp đồng vay là ngày 28/10/2024. “Rất khó để hoàn thành Dự án theo tiến độ đề ra do có quá nhiều phát sinh trong quá trình triển khai, đặc biệt là phát sinh về nguồn vốn cho công tác đền bù, GPMB”, đại diện Chủ đầu tư thừa nhận.

Theo Chủ đầu tư, kinh phí cho đền bù, GPMB được phê duyệt ban đầu là 125,469 tỷ đồng, nhưng nay theo báo cáo từ các huyện bị ảnh hưởng đã tăng lên 339,299 tỷ đồng, vượt 213,829 tỷ đồng. Nguyên nhân là số hộ dân bị ảnh hưởng từ 1.586 hộ (51 hộ giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư) tăng lên 1.640 hộ (giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư khoảng 90 hộ); phát sinh xây dựng các điểm tái định cư, phát sinh diện tích bồi thường; tăng chi phí xây dựng do trượt giá; điều chỉnh tăng chiều rộng nền đường qua huyện Thăng Bình từ 12m lên 34m.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, những phát sinh quá lớn, nếu muốn tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án, không bị cắt vốn thì buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tổng thể các vấn đề phát sinh từ Dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất tăng tổng mức đầu tư Dự án từ 768 tỷ đồng lên 1.059,825 tỷ đồng; điều chỉnh thời gian bố trí kế hoạch vốn đến năm 2026 và điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2020 - 2024 thành 2020 - 2026; gia hạn hiệp định vay đến hết ngày 31/12/2026.

Về đề xuất điều chỉnh tăng vốn, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ không điều chỉnh tăng từ nguồn vay ODA (25,474 triệu USD, tương đương 566,898 tỷ đồng) mà đề xuất tăng vốn đối ứng ngân sách nhà nước khoảng 492,926 tỷ đồng thay vì 201,2 tỷ đồng như trước đây. Trong đó, ngân sách trung ương tăng 156,579 tỷ đồng, ngân sách tỉnh tăng 135,170 tỷ đồng.

“Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương điều chỉnh tăng phần vốn đối ứng ngân sách trung ương cho Dự án, phần vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ điều chuyển từ các dự án không có nhu cầu sử dụng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh để bổ sung cho Dự án. Dự kiến lấy nguồn từ Dự án Cơ sở hạ tầng phục vụ an ninh quốc phòng đảo Cù Lao Chàm 15,236 tỷ đồng; các dự án không có nhu cầu sử dụng vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ngày 22/7/2024) để bổ sung cho Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam, khoảng 141,343 tỷ đồng...”, Báo cáo do ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký đề xuất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư