Dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1: Cân nhắc 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng Nai đang cân nhắc các phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 (chuyển đổi công năng từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Theo khái toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Nai, tổng mức đầu tư Dự án hơn 800 nghìn tỷ đồng.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm trong vùng lõi của đô thị Biên Hòa và không còn phù hợp với sự phát triển đô thị, công nghiệp trong thời kỳ mới. Ảnh: Ngọc Tuấn
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm trong vùng lõi của đô thị Biên Hòa và không còn phù hợp với sự phát triển đô thị, công nghiệp trong thời kỳ mới. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo thống kê, hiện nay Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại KCN này là hơn 21.000 người. Ngoài ra, trong phạm vi thực hiện đề án, còn khoảng 300 hộ dân đang sinh sống. Để thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện di dời tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này.

Từ năm 2008, Đồng Nai đã đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 do đây là KCN cũ, nằm lọt trong vùng lõi của đô thị Biên Hòa và không còn phù hợp với sự phát triển đô thị, công nghiệp trong thời kỳ mới. Tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Tới cuối tháng 1/2021, KCN Biên Hòa 1 được chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.

UBND tỉnh Đồng Nai đang cân nhắc phương án lựa chọn hình thức đầu tư Dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 trên quỹ đất hiện hữu của KCN Biên Hòa 1. Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 phương án bao gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN sau khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch.

Quan điểm của Sở KH&ĐT Đồng Nai là đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu thực hiện theo phương án này, Đồng Nai sẽ xác định những thửa đất sạch, phù hợp quy hoạch, các vị trí có thể bàn giao mặt bằng sớm để có lộ trình thực hiện đấu giá từng khu đất từ năm 2022. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng xem xét đầu tư các tuyến đường theo lộ trình thực hiện đấu giá để nâng cao giá trị đất đấu giá, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Tỉnh đang nghiên cứu, cân nhắc để chốt phương án lựa chọn nhà đầu tư. Tỉnh đã thông báo cho doanh nghiệp hạn chót để di dời nhà xưởng sản xuất ra khỏi KCN Biên Hòa 1 là cuối năm 2022. Đồng Nai đã chuẩn bị đất công nghiệp ở các nơi khác để doanh nghiệp di dời. Khi xong hồ sơ, Tỉnh sẽ quyết định mức hỗ trợ doanh nghiệp phải di dời. Mục tiêu tới cuối năm 2022 sẽ hoàn thành hồ sơ di dời, giải phóng mặt bằng.

Trước đó, Sở Tài chính Đồng Nai được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân khi thực hiện di dời. Theo đánh giá, nhiệm vụ này rất khó do việc di dời các doanh nghiệp để đóng cửa một KCN là chưa từng có tiền lệ. Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 hiện đã chậm trễ. Do đó, để rút ngắn thời gian, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ cần được Đồng Nai sớm ấn định.

Chuyên đề