Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền: Triển khai thi công ngay trong đầu tháng 4

(BĐT) - Là nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) uy tín và có năng lực, Công ty TNHH VISIP Hải Dương được kỳ vọng sẽ hồi sinh Dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền, góp phần phát triển kinh tế của huyện Cẩm Giàng nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. 
Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền. Ảnh: TTXVN
Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền. Ảnh: TTXVN

Nhưng đã gần 1 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, VSIP Hải Dương vẫn chưa thể triển khai Dự án. 

8 năm vẫn vướng đền bù

Theo tài liệu cung cấp cho báo chí, tháng 8/2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2886/QĐ-UBND thu hồi hơn 208 ha đất trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, trong đó Công ty Phúc Hưng được thuê hơn 137 ha để xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN được giao 45,9 ha để xây dựng hệ thống hạ tầng và được tạm giao 20,8 ha để quy hoạch khu nhà ở công nhân, dịch vụ…

Trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường GPMB, đa số nhân dân hai xã Cẩm Điền và Lương Điền đều đồng tình ủng hộ Dự án và chính sách bồi thường GPMB của Nhà nước. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ dân đề nghị bồi thường, hỗ trợ ở mức cao hơn quy định của Nhà nước.

Giai đoạn 2009 - 2010, Công ty Phúc Hưng nhận bàn giao khoảng 150 ha đất KCN và triển khai thi công nhưng bị một số hộ dân ra cản trở. Từ năm 2011 đến năm 2014, Dự án dừng để điều chỉnh quy hoạch, trả lại một phần diện tích cho sản xuất nông nghiệp.

Năm 2014, được sự đồng ý của tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Phúc Hưng đã tiến hành chuyển nhượng Dự án cho Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP JSC). Ngày 20/4/2015, Công ty TNHH VSIP Hải Dương (thuộc VSIP JSC) đã chính thức có trong tay Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền, nhưng khi tổ chức thi công đã vấp phải sự phản đối của người dân. Dự án bị đình trệ từ đó đến nay. 

Tỉnh đã “chiều’’, dân chưa “chịu’’…

Theo UBND tỉnh Hải Dương, Dự án đã liên tục bị cản trở bởi một số cá nhân kể từ khi bắt đầu triển khai. Đơn cử như trong quá trình thi công của Công ty Phúc Hưng, Tỉnh cũng phải nhiều lần giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của dân. Tháng 1/2010, tỉnh Hải Dương đã thu hồi 20,2 ha đất tại KCN để giao cho các hộ dân có nhu cầu tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Tỉnh cũng thu hồi thêm 8,8 ha đất thuộc quy hoạch khu nhà ở công nhân và dịch vụ KCN, giao cho huyện Cẩm Giàng để xây dựng khu dân cư, dịch vụ xã Cẩm Điền.

Khi chủ đầu tư mới (VSIP Hải Dương) triển khai Dự án và cũng gặp sự phản đối từ người dân,UBND Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để giải quyết vướng mắc và triển khai Dự án. Ban chỉ đạo đã giao UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức đối thoại với các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Gần nhất, ngày 30/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã có buổi đối thoại với người dân về các vướng mắc khi đền bù, GPMB. Tuy nhiên, có một phần nhỏ người dân chưa đồng thuận vì cho rằng  mức bồi thường quá thấp (23,4 triệu đồng/sào). Lãnh đạo địa phương cho biết, có hộ dân hiện đòi bồi thường lên tới hơn 250 triệu đồng/sào. Hiện còn 70 hộ dân chưa nhận đền bù hoặc nhận đất canh tác mà Tỉnh đã bố trí.

Ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, Tỉnh sẽ làm hết sức mình, vận dụng đầy đủ và toàn diện các chính sách có lợi cho người dân. Thực hiện đúng trình tự về quy hoạch, thu hồi đất, đi đôi với tuyên truyền vận động và đối thoại với người dân. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn tiếp tục không tuân thủ pháp luật, gây khó khăn cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp bảo vệ thi công nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai thi công ngay trong đầu tháng 4/2016.                

KCN Cẩm Điền - Lương Điền đã thu hút được môt số dự án, trong đó 2 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 152 triệu USD. Cuối năm 2016, VSIP Hải Dương sẽ phấn đấu lấp đầy diện tích KCN, nếu được bảo vệ thi công đúng kế hoạch.

Chuyên đề