Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên sẽ kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và các cảng biển quốc tế. Ảnh: Phú An |
Trong số 8 gói thầu, 3 gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, gồm: Gói thầu RPMB-01 Tư vấn khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán rà phá bom mìn, vật nổ (giá gói thầu là 150 triệu đồng), Gói thầu RPMB-02 Tư vấn giám sát thi công rà phá và xử lý bom mìn, vật nổ (150 triệu đồng), Gói thầu RPMB-03 Thi công rà phá và xử lý bom mìn, vật nổ (4,894 tỷ đồng).
5 gói thầu còn lại áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Gói thầu có quy mô lớn nhất là Gói thầu TV-04 Tư vấn giám sát thi công (69,693 tỷ đồng). Tiếp đó là Gói thầu TV-05 Tư vấn giám sát môi trường xã hội (7,921 tỷ đồng), Gói thầu TV-06 Tư vấn kiểm toán tài chính độc lập (7,921 tỷ đồng), Gói thầu TV-07 Tư vấn lập hồ sơ và cắm cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới (6,804 tỷ đồng), Gói thầu TV-08 Tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật và dự toán (1,953 tỷ đồng). Trong đó, Gói thầu TV-07 và Gói thầu TV-08 sẽ thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Về nguồn vốn, Gói thầu TV-04, Gói thầu TV-05, Gói thầu TV-06 sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Nhà tài trợ. Các gói thầu còn lại sử dụng vốn đối ứng của Việt Nam thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 5/2018 với tổng mức đầu tư là 3.605,19 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn vay của WB tại Hiệp định tín dụng số 6108-VN ký ngày 27/12/2017 và nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu của Dự án là nâng cấp 126 km Quốc lộ 19; xây dựng mới tuyến tránh Quốc lộ 19 đạt tiêu chuẩn đường cấp III; xây dựng tuyến tránh thị xã An Khê; xây dựng tuyến tránh TP. Pleiku; phát triển hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối hành lang Đông - Tây, từ Tây Nguyên đi về Quốc lộ 1, đến các tỉnh duyên hải miền Trung và ra các cảng biển quốc tế.
Theo dự kiến ban đầu, Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý I/2020 và hoàn thành vào năm 2023.
Đến nay, Ban Quản lý an toàn giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu của 2 gói thầu tư vấn thuộc Dự án.
Cụ thể, tháng 6/2016, Ban Quản lý an toàn giao thông mời thầu Gói thầu Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 8/2016, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải được công bố trúng thầu với giá trúng thầu là 1,087 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định.
Tiếp đó, tháng 2/2017, Ban Quản lý an toàn giao thông tiến hành mời thầu Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu cho 30% khối lượng giá trị xây lắp. Khoảng 3 tháng sau (tháng 5/2017), Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - Công ty CP Xây dựng VNC được chọn trúng thầu với giá trúng thầu là 1,696 tỷ đồng (giảm 41% so với giá gói thầu). Thời gian thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định là 2 tháng.