Dự án điện gió BIM tại Ninh Thuận: Nhà đầu tư cần đáp ứng điều kiện gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến 16 giờ ngày 19/3/2021 sẽ hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió BIM tại Ninh Thuận. Muốn có cơ hội vượt qua vòng đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện gió hơn 3.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận, nhà đầu tư cần đáp ứng những điều kiện gì?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Danh mục dự án Nhà máy Điện gió BIM đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 18/2/2021. Một cán bộ của Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận cho biết, đây là dự án xã hội hóa, áp dụng quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP.

Theo quyết định phê duyệt danh mục dự án của UBND tỉnh Ninh Thuận, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.110 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện khoảng 3.080 tỷ đồng; chi phí đền bù di dân và tái định cư (tạm tính) khoảng 30 tỷ đồng. Vốn đầu tư sẽ được chuẩn xác sau khi Chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Địa điểm thực hiện Nhà máy Điện gió BIM tại 3 xã: Phước Ninh, Phước Minh và Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Tiến độ hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư (ngày 17/2/2021).

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Nhà máy có công suất 88MW, dự kiến khi hoàn thành hàng năm sẽ bổ sung khoảng 306,9 triệu kWh vào nguồn điện quốc gia, góp phần làm tăng tỷ trọng giữa nguồn năng lượng tái tạo so với các nguồn khác trong hệ thống điện, ổn định việc cung cấp điện cho toàn hệ thống.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt các yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Theo đó, về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải thu xếp tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét (3.110 tỷ đồng x 15% = 466,5 tỷ đồng)… Về năng lực, kinh nghiệm, số dự án nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 1 dự án. Dự án này phải trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và đáp ứng đầy đủ các điều kiện: dự án có quy mô công suất tối thiểu bằng 70% quy mô công suất dự án đang xét và có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án đang xét; dự án mà nhà đầu tư có phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét; dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 5 năm gần đây.

Đáng chú ý, bên cạnh yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm, về tiêu chí khác, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên nhà đầu tư đã bỏ kinh phí khảo sát, lập hồ sơ bổ sung Dự án Nhà máy Điện gió BIM vào quy hoạch phát triển điện lực và ưu tiên nhà đầu tư có phương án đấu nối Dự án khả thi theo phương án đã được phê duyệt.

Theo tìm hiểu, phương án đấu nối Nhà máy Điện gió BIM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 911/TTg-CN ngày 15/7/2020 theo đề nghị của Bộ Công Thương. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất phương án đấu nối xây dựng trạm biến áp 33/220 kV điện gió BIM, quy mô công suất 200 MW; xây dựng đường dây 220 kV mạch đơn đấu nối trạm biến áp 220 kV điện gió BIM về trạm cắt 220 kV Quán Thẻ, chiều dài khoảng 3 km, tiết diện ACSR400.

Được biết, trạm cắt 220 kV Quán Thẻ là trạm cắt 220 kV đấu nối Dự án Điện mặt trời BIM 3. Nhà máy Điện mặt trời BIM 3 thuộc cụm nhà máy điện mặt trời BIM gồm ba tổ hợp: Nhà máy điện BIM 1, BIM 2 và BIM 3 tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, do Tập đoàn BIM Group đầu tư. Cụm nhà máy này đã được khánh thành ngày 27/4/2019.

Chuyên đề