Ông Tiết Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau
Xuất phát từ vị trí địa lý, địa hình nhiều sông ngòi, kênh, rạch, Cà Mau có những khó khăn rất đặc thù so với các địa phương khác như nền đất yếu, dễ sạt lở. Các công trình xây dựng tại địa phương thường phát sinh chi phí đầu tư, chủ yếu là chi phí gia cố nền móng. Riêng địa bàn huyện Năm Căn, phần lớn diện tích nhiễm mặn nên nguồn cát ngọt dùng trong xây dựng đều phải mua từ những địa phương khác. Do địa hình chằng chịt kênh, rạch, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phụ thuộc vào đường sông, chi phí thực hiện dự án thường “đội” lên gấp đôi so với các tỉnh, thành lân cận. Theo ước tính thực tế, giá thành trung bình cát mua ở Hậu Giang khoảng 70.000 đồng - 80.000 đồng/m3, khi vận chuyển đến Cà Mau, giá tăng lên khoảng 210.000 đồng/m3, tương đương tăng gấp 3 lần.
Mặt khác, trong quá trình lập dự toán, chi phí thực hiện sẽ được xây dựng theo báo giá của liên sở tài chính - xây dựng. Tuy nhiên, báo giá này chỉ cập nhật những đơn giá vật liệu địa phương có, những vật liệu địa phương không có thì báo giá chỉ mang tính tham khảo tương đối, khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn khi lập dự toán.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nguồn nhân công còn khan hiếm, trình độ, chất lượng nhân công còn thấp, dẫn đến một số trường hợp, nhà thầu huy động đội ngũ lao động tại chỗ có tay nghề yếu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ đầu tư, gây nhiều hệ lụy.