Dự án Cụm CNTT Đồng Côi giai đoạn 2 tại Nam Định: Nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kế hoạch, tháng 12 này, toàn bộ mặt bằng sạch để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp tập trung (CNTT) Đồng Côi giai đoạn 2 phải được chính quyền huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bàn giao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo đại diện UBND huyện Nam Trực, hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án vẫn gặp vướng mắc, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân để nhà đầu tư triển khai Dự án.
Khu đất thực hiện Dự án Cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi giai đoạn 2 có diện tích 24,8 ha. Ảnh: Nguyễn Thủy
Khu đất thực hiện Dự án Cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi giai đoạn 2 có diện tích 24,8 ha. Ảnh: Nguyễn Thủy

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Dự án Cụm CNTT Đồng Côi thị trấn Nam Giang có tổng diện tích được phê duyệt là 39,95 ha, giai đoạn 1 đã thực hiện 15,15 ha, giai đoạn mở rộng (giai đoạn 2) là 24,8 ha, trong đó phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp là 24,02 ha. Địa điểm thực hiện tại Cụm CNTT Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực.

Theo Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh Nam Định về việc mở rộng Cụm CNTT Đồng Côi, Dự án có tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động là cơ khí, cơ khí đúc, luyện thép… (không quy hoạch ngành nghề dệt may, da giầy). Tiến độ thực hiện Dự án là năm 2018 - 2020. Thời gian hoạt động 50 năm.

Song do có những khó khăn, vướng mắc, ngày 23/8/2020, nhà đầu tư là Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang đã có văn bản đề xuất giãn tiến độ thực hiện Dự án. Ngày 28/8/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định đã có quyết định về việc giãn tiến độ Dự án. Theo đó, Dự án được hoàn thành vào năm 2022.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn Tỉnh, đến nay, Nhà đầu tư đã thực hiện các thủ tục pháp lý của Dự án gồm các thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được chính quyền địa phương thực hiện để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2.

Dự án Cụm CNTT Đồng Côi mở rộng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực có phạm vi ranh giới phía Đông tiếp giáp với tuyến đường tỉnh lộ 490C; phía Tây tiếp giáp với đê sông Đào; phía Nam đấu nối với CNTT Đồng Côi giai đoạn 1; phía Bắc tiếp giáp địa phận xã Nghĩa An.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, thành viên Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất huyện Nam Trực chia sẻ, địa phương này đang triển khai một số dự án quan trọng thuộc diện thu hồi đất, trong đó có Dự án Cụm CNTT Đồng Côi giai đoạn 2. Theo ông Hưởng, việc thực hiện các dự án thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn huyện nói chung, Dự án Cụm CNTT Đồng Côi nói riêng đều không gặp khó khăn, vướng mắc, song cá biệt một số trường hợp băn khoăn về giá bồi thường.

Thông tin từ UBND huyện Nam Trực cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đã cơ bản hoàn thành, 348/354 hộ dân thuộc diện thu hồi đất đã đồng thuận phương án bồi thường hỗ trợ của Nhà nước và ký nhận tiền, đạt 98 - 99% kế hoạch.

“Tuy vậy, chúng tôi chưa thể bàn giao mặt bằng sạch cho Nhà đầu tư do còn một số hộ dân (6 hộ dân) không chấp nhận phương án hỗ trợ đền bù, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động”, ông Hưởng cho biết.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực, theo quy định, tất cả các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất phải áp dụng giá do cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể ở Dự án này là giá do UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.

Nhiều hệ lụy nếu Dự án chậm tiến độ

Ông Hưởng cho biết, việc chậm bàn giao mặt bằng sạch sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khiển khai Dự án của Nhà đầu tư, kéo theo tiến độ nhà đầu tư thứ cấp cũng bị chậm lại. Không những thế, hệ lụy xa hơn là việc thu hút lao động, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân, dịch chuyển sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án, UBND huyện Nam Trực, đặc biệt là Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất huyện Nam Trực đang thực hiện các giải pháp, trong đó có tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại. “Với 6 hộ dân còn lại thuộc diện thu hồi đất, chúng tôi hoàn thiện quy trình để tổ chức cưỡng chế. Đến nay, chúng tôi đã cưỡng chế 5/6 hộ dân, còn 1 hộ dân đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để cưỡng chế nhằm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai Dự án”, ông Hưởng thông tin.

Về việc bảo đảm an sinh cho người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn, UBND huyện Nam Trực cho hay, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác này. Cụ thể, đối với những hộ thuộc diện bị thu hồi đất ở, Huyện luôn làm trước một bước là xây dựng các khu tái định cư. Đối với các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, Huyện thực hiện đền bù đầy đủ cho người dân theo đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Được biết, hiện nay, tại tỉnh Nam Định nói chung, huyện Nam Trực nói riêng cũng liên tục tổ chức các khóa đạo tạo nhằm dạy nghề cho người dân như: chế tác cây cảnh, chăn nuôi… Một số doanh nghiệp cũng ưu tiên tạo việc làm cho lao động là người địa phương.

Trao đổi với phóng viên, UBND huyện Nam Trực mong muốn hộ dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện Dự án Cụm CNTT Đồng Côi giai đoạn 2 đồng thuận, ủng hộ và chấp nhận phương án hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế của Nhà nước để chính quyền có thể bàn giao mặt bằng sạch cho Nhà đầu tư. Bởi khi cụm công nghiệp hình thành sẽ tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho người dân, trong đó có cả lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất. Đồng thời, một loạt dịch vụ thương mại sẽ được phát triển cùng với Dự án, tạo thêm cơ hội cho người dân nâng cao đời sống.

Chuyên đề