Dự án cống ngăn mặn 846 tỷ đồng tại Tiền Giang: Các gói thầu đều về đích vượt tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, nhiều gói thầu xây lắp thủy lợi thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) có tiến độ thi công vượt trội, về đích trước thời hạn. Đây là những điểm sáng về giải ngân đầu tư công của địa phương.
Hiện 5 trong 6 cống thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) đã hoàn thành. Ảnh: A.B
Hiện 5 trong 6 cống thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) đã hoàn thành. Ảnh: A.B

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024.

Theo ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban, Dự án được đầu tư với quy mô xây dựng 6 cống gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn và tuyến đê dọc sông Tiền kết nối với cống ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm kiểm soát mặn, triều cường và trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong khu vực. Cả 6 cống được xây dựng theo hình thức lộ thiên, bê tông cốt thép, đóng mở bằng hệ thống thủy lực. Tổng diện tích đất sử dụng phục vụ Dự án hơn 11 ha, thời gian sử dụng công trình 50 năm.

Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, trong đó, chi phí xây lắp xấp xỉ 600 tỷ đồng, bắt đầu lựa chọn nhà thầu từ cuối năm 2021.

Hai gói thầu có quy mô lớn nhất và hoàn tất lựa chọn nhà thầu đầu tiên, gồm: Gói thầu Thi công cống Rạch Gầm (giá gói thầu 191,637 tỷ đồng), Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại An - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 - Công ty CP Xây lắp Thủy lợi Hưng Yên - Công ty CP Lilama 10 trúng thầu với giá 175,233 tỷ đồng, thời gian thi công 540 ngày; Gói thầu Thi công cống Phú Phong (giá gói thầu 199,856 tỷ đồng), Liên danh Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty CP Lilama 45.3 - Công ty TNHH Thuận Phú trúng thầu với giá 189,524 tỷ đồng), thời gian thi công 540 ngày kể từ ngày khởi công 8/1/2022.

Theo đại diện Chủ đầu tư, ngay sau khởi công, các nhà thầu đã huy động toàn lực để làm chủ tiến độ. Đây là 2 cống ngăn mặn lớn nhất của Dự án với khẩu độ ngang 50m, theo kế hoạch sẽ được nghiệm thu và đưa vào sử dụng tháng 6/2023. Nhờ sự nỗ lực của các nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư, địa phương, cả 2 gói thầu đã hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng.

Các gói thầu còn lại của Dự án đều hoàn tất lựa chọn nhà thầu vào tháng 8/2022. Cụ thể, Gói thầu Thi công cống Mù U (giá gói thầu 76,294 tỷ đồng) thuộc về Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang - Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 (giá trúng thầu 75,99 tỷ đồng, thời gian thi công 420 ngày). Gói thầu Thi công cống Hai Tân (41,269 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 - Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 thực hiện (giá trúng thầu 39,246 tỷ đồng, thời gian thi công 345 ngày). Gói thầu Thi công cống Cái Sơn (47,989 tỷ đồng) thuộc về Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại An - Công ty CP Lilama10 (giá trúng thầu 45,815 tỷ đồng, thi công trong 330 ngày). Gói thầu Thi công cống Cây Còng (42,558 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang - Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 thi công (giá trúng thầu 41,187 tỷ đồng, thời gian thực hiện 360 ngày).

Ông Tuyến cho biết, đến thời điểm hiện tại, các cống Hai Tân, Cái Sơn và Cây Còng đã được các nhà thầu hoàn thành thi công. “Riêng cống Mù U khối lượng thi công đạt trên 90%, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2023. Như vậy, cả 4 cống đều về đích trước kế hoạch 2 tháng”, ông Tuyến nói.

Theo đại diện Chủ đầu tư, để đưa công trình trọng điểm ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang về đích trước kế hoạch, Chủ đầu tư quan tâm đến chất lượng công tác lựa chọn nhà thầu để bảo đảm công khai, minh bạch và cạnh tranh giữa các nhà thầu. Cụ thể, hồ sơ mời thầu được xây dựng theo đúng mẫu, đưa ra các tiêu chí phù hợp, khoa học. Theo đó, các nhà thầu đều có kinh nghiệm dày dặn, tài chính vững và làm chủ tiến độ.

“Từ năm 2022 đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang luôn áp dụng đấu thầu qua mạng để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu. Đây cũng là nguyên tắc để Ban tiếp tục công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2 của Dự án nhằm đồng bộ, khép kín hệ thống cống ngăn mặn cho địa phương”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Chuyên đề