Dự án chậm tiến độ và đội vốn: Cách nào trị bệnh trầm kha?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tiễn triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn của nước ta khoảng 10 năm trở lại đây cho thấy, hầu hết công trình đều rơi vào tình cảnh chậm tiến độ, đội vốn, phát sinh nhiều vướng mắc và hệ lụy trong quá trình thực hiện. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của thực trạng này là do khâu chuẩn bị đầu tư dự án chưa được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng, chưa lường trước được các rủi ro phát sinh và biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện.
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ hơn 6 năm, riêng chi phí tư vấn giám sát tăng thêm khoảng 7,835 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ hơn 6 năm, riêng chi phí tư vấn giám sát tăng thêm khoảng 7,835 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Vừa qua, Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dự án chậm tiến độ hơn 6 năm, riêng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát đã tăng thêm khoảng 7,835 triệu USD. Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang chậm tiến độ hơn 2 năm và đội vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, nhà thầu nước ngoài liên tục đòi ngừng thi công vì không được giải ngân vốn. Nhiều dự án lớn khác của ngành giao thông cũng đang chậm tiến độ và đội vốn như: Dự án Đường sắt đô thị tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân phổ biến dẫn đến chậm tiến độ dự án, phát sinh hệ lụy là khâu giải phóng mặt bằng. Ở nhiều dự án, thời gian thi công chỉ mất một vài năm nhưng quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài tận 5 năm. Tại một số dự án, việc chậm giải ngân do vướng mắc thủ tục, cơ chế cũng khiến việc thi công đình trệ, làm chậm tiến độ thực hiện, nhà thầu đòi bỏ dở giữa chừng hoặc đòi bồi thường chi phí bổ sung (chi phí hao mòn, lãng phí máy móc, thiết bị, nhân sự...).

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là quá trình chuẩn bị đầu tư không kỹ lưỡng, bài bản; không lường trước được các vướng mắc phát sinh, thực hiện giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ”, “nước đến chân mới nhảy” nên không thể thi công theo kế hoạch đề ra. Hệ quả tất yếu là phát sinh tranh chấp, lãng phí nguồn lực, đội vốn, tăng chi phí rất lớn. Câu chuyện chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án giao thông vừa qua là những bài học đắt giá, cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, mổ xẻ để không tái lặp ở những dự án tiếp theo.

Theo ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để khắc phục triệt để tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, khâu chuẩn bị đầu tư dự án phải được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng hơn, phải đánh giá cụ thể và toàn diện các vấn đề liên quan, lượng hóa được các tình huống, lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý từ sớm… Hiện nay, rất nhiều dự án giao thông chậm tiến độ một phần vì bị động trong các khâu triển khai, khi xuất hiện tình huống thì chủ đầu tư, các cơ quan ban ngành liên quan đều lúng túng, phải xin ý kiến nhiều cấp mà cũng không có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, trước khi triển khai một dự án giao thông lớn, phải đánh giá kỹ quỹ đất để thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture cho biết, nhiều dự án giao thông chậm tiến độ đang phải đối mặt với khiếu kiện và những khoản bồi thường khổng lồ từ nhà thầu nước ngoài do đều áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC. Loại hợp đồng này rất chặt chẽ và quy định rất rõ các điều khoản thưởng, phạt và trách nhiệm của các bên liên quan. Để giảm thiểu việc bị khiếu kiện, đòi bồi thường từ phía nhà thầu nước ngoài, trước khi ký hợp đồng, quá trình chuẩn bị dự án của chủ đầu tư phải rất kỹ lưỡng. Phải thận trọng nghiên cứu các tình huống có thể phát sinh, rủi ro trong quá trình thực hiện để thương thảo trước, đàm phán hợp đồng theo cơ chế chia sẻ, giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách nhà nước trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

Chuyên đề