Hợp phần 2 thuộc Tiểu dự án CCSEP tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có 2 gói thầu xây lắp đã bị Ngân hàng Thế giới ngưng cấp vốn. Ảnh: Văn Kỳ |
Tiểu dự án CCSEP tại TP. Nha Trang được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4/2016 (điều chỉnh tháng 10/2017) với 4 hợp phần, tổng mức đầu tư hơn 60 triệu USD (khoảng 1.380 tỷ đồng) bao gồm nguồn vốn vay ODA 48,614 triệu USD và vốn đối ứng của tỉnh Khánh Hòa 11,4 triệu USD. Theo cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), Tiểu dự án phải kết thúc trước 31/12/2022. Tuy nhiên, do vướng mắc mặt bằng, Tiểu dự án được gia hạn thêm 18 tháng, kéo dài thời gian hoàn thành đến ngày 30/6/2024.
Cho đến hiện tại, theo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (đại diện Chủ đầu tư), Hợp phần 2 thuộc Tiểu dự án có 2 gói thầu xây lắp đã bị WB ngưng cấp vốn. Đó là Gói thầu NT-2.3 Xây dựng đường Chử Đồng Tử với hợp đồng trị giá 35,86 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Licogi 13 - Công ty CP Licogi 13 - cơ giới hạ tầng thi công, khởi công cuối năm 2021, thời hạn thi công 16 tháng; Gói thầu NT-2.1 Xây dựng đường và kè dọc sông Cái trị giá 270,825 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Khánh Vĩnh đảm nhiệm, thời hạn thi công 15 tháng.
“Hai gói thầu trên theo thời hạn hợp đồng hoàn thành vào tháng 3 và 4/2023. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, tái định cư chậm nên phải tạm dừng thi công từ tháng 7/2022 (đối với hợp đồng Gói thầu NT-2.1) và từ tháng 12/2022 (đối với hợp đồng Gói thầu NT-2.3). Tính đến tháng 3/2023, Gói thầu NT-2.1 mới hoàn thành 5% khối lượng công việc theo hợp đồng, Gói thầu NT-2.3 đạt 15% khối lượng công việc theo hợp đồng. Vì vậy, tháng 10/2023, WB thông báo chính thức ngừng cấp vốn cho các hợp đồng này. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 2 hạng mục thuộc Hợp phần 2 bị WB cắt vốn khoảng hơn 10 triệu USD (tương đương 250 tỷ đồng)”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.
Dù đã nỗ lực thuyết phục phía WB tiếp tục cho gia hạn và tài trợ vốn cho Dự án nhưng không nhận được đồng tình từ WB. Theo đại diện Chủ đầu tư, từ khi WB dừng cấp vốn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng tạm dừng. Hiện tại, 2 gói thầu này vẫn còn vướng hơn 300 hộ dân.
Liên quan đến việc chậm trễ và để mất vốn của Tiểu dự án TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình phối hợp, xử lý và triển khai các công việc liên quan, nhất là hạng mục giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư.
Để Dự án hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã đề nghị và được HĐND Tỉnh thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án CCSEP - Tiểu dự án TP. Nha Trang. Theo Nghị quyết, khối lượng còn lại thuộc Hợp phần 2 sẽ tiếp tục được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Tỉnh, đồng thời điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn Dự án theo hướng tăng vốn đối ứng từ 11,4 triệu USD ban đầu lên hơn 25 triệu USD.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, dù HĐND Tỉnh đã thông qua phương án bố trí vốn từ ngân sách Tỉnh, nhưng đây mới chỉ là bước ở địa phương. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên Chủ đầu tư sẽ tham mưu UBND Tỉnh hoàn thiện thủ tục trình các bộ, ngành thẩm định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ Phòng Quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho hay, hiện đang lấy ý kiến thẩm định lần 2 từ các bộ, ngành trung ương, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn đối ứng và gia hạn thời gian thực hiện Dự án theo quy định.
Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) được thực hiện từ năm 2017 dựa trên sự thống nhất tài trợ của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, theo kế hoạch kết thúc Dự án vào ngày 31/12/2022.
Dự án được triển khai tại 4 thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) với tổng mức đầu tư 273 triệu USD (trong đó nguồn vốn của WB tương đương 236 triệu USD). Qua 7 năm triển khai, đến thời điểm hiện nay mới có Tiểu dự án Phan Rang - Tháp Chàm hoàn thành theo cam kết.